Xứ Huế và thú vui bói Tết
09:00
|
14/01/2013
Trong nhiều trò chơi Tết ở Huế thì bói Tết là trò chơi được ưa chuộng và gần như đã trở thành một tập tục đẹp, đậm nét văn hóa của miền quê này. Bói Tết có nhiều kiểu bao gồm:
|
Bói mai ngày Tết |
Bói bài
Ngày Tết, nhà nào ở Huế cũng có trò chơi bài bạc. Bài bạc ở đây không cốt để ăn thua nhau bằng tiền, đó chỉ là cái cớ để giải trí thư giãn nhẹ nhàng.
Người ta thường đoán vận mệnh hên xui trong năm bằng cách nhìn qua sự thắng thua trên từng ván bài. Trong dân gian, nhất là ở miền quê, thường sử dụng bộ bài tới để bói, trong bài tới có nhiều con bài chỉ có nét đen tuyền và một số con bài có đóng dấu đỏ. Vì vậy, trò chơi cờ bạc thường được gọi chung là trò đỏ đen.
Bói hoa mai
Tết ở Huế không thể thiếu hoa mai. Người Huế quan niệm mai tượng trưng cho đức tính của người quân tử. Càng gầy guộc, cây mai càng khiến người ta yêu thích, gọi là lão mai. Khoảng 28 Tết trở đi hoa mai trở thành thứ người ta mua bán và quan tâm nhiều nhất ở chợ Tết. Đó cũng là thời kỳ diễn ra phong tục bói hoa mai.
Hoa mai thường có 5 cánh; bắt đầu từ mồng 1 Tết trở đi, những cánh hoa rụng đổ trên mặt đất tạo thành “bóng” mai. Người chơi hoa thường giữ gìn những cánh hoa rụng, không quét dọn nó đi vì sợ mất hên.
Nếu hoa mai có 6, 7 cánh trên một cành được xem là điềm lành của gia đình; nếu hoa mai chỉ có 4 cánh là loại hoa quý hiếm và được coi là vận may trong cả năm của gia chủ. Đóa mai 4 cánh được gìn giữ trên cành và được chủ nhà lưu ý đặc biệt.
Những người trẻ tuổi thường hay quan tâm tới chủ đề tình yêu, vì thế mà cũng rất nhiều người chọn hoa cúc để bói.
Bói xăm hường
Hường là một mặt tứ màu đỏ trong bộ tào cáo. Mỗi ván xăm hường được mở đầu bằng cách mỗi người lần lượt vốc bộ nắm xăm hường trong tay rồi thả ra lòng một cái bát. Khi bộ tào cáo đã ổn định thì các mặt tào cáo giống nhau (tất cả có 6 con) sẽ làm thành một tổ hợp. Các tổ hợp sẽ hợp thành một cấu trúc có ý nghĩa, đem lại cho người đổ một số thẻ.
Xăm hường là trò chơi đổ bát gợi lại ý niệm về thi cử ngày xưa, phù hợp với nguyện vọng và tính ăn, thua nhẹ nhàng của phụ nữ giới quý tộc ở Huế, cầu mong cho con thành đạt.
Trong bói toán người đổ xăm hường thích chí nhất là đổ ra suốt hơn là trạng anh vì nó bao hàm việc làm ăn hanh thông; hoặc thích lục phú đen hơn là lục phú hường vì tin rằng đỏ quá hóa đen.
Bói tuồng
Người Huế thường bói tuồng ở các rạp hát, đặc biệt là rạp Bà Tuần. Đó là rạp hát tư nhân thường trực nổi tiếng khắp Đông Dương do vua chúa, quý tộc thời Nguyễn dựng lên.
Ở rạp Bà Tuần, người ta thường xào xáo một chương trình tuồng Tết, gồm những vở tuồng có đoạn nói về tình duyên rất thu hút các trai gái trẻ tuổi đến xem. Ví dụ tuồng Phụng Nghi Đình (hay gọi là Lữ Bố hí Điêu Thuyền); Tôn Phu Nhân Quy Thục; Mạnh Lệ Quân thoát hài... Đôi khi người ta diễn cả tuồng Lộ Địch của Ưng Bình Thúc Giạ. Đây là vở tuồng do cụ Thúc Giạ phóng tác phỏng theo vở bi kịch Le Cid của Corneille (nhà biên kịch, nhà thơ lớn của Pháp) nhưng có thay đổi đôi chút để phù hợp với sân khấu hát bội và hợp với “gu” của người Huế.
Bói đò
Ở Huế, giữa chợ Gia Lạc (vùng Vĩ Dạ) và chợ Dinh (vùng Gia Hội) trên sông Hương có một bến đò ngang người ta cho là rất thiêng. Đây là bến đò ngang duy nhất để người dân vùng Gia Hội có thể xuất hành trong ngày Tết. Xuất hành ngày Tết là tục lệ rất quan trọng của người Huế, vì vậy chuyến đò ngang này càng đóng vai trò quan trọng trong vận mệnh đầu năm của họ.
Đến bến đò chợ Dinh, nếu con đò vẫn đang nằm chờ hoặc vừa mới ghé vào bờ thì đó là vận may, buôn bán hanh thông suốt năm.
Bói Tết là một nét đẹp có từ lâu đời của người dân xứ Huế. Nó góp phần làm cho cuộc sống thêm thi vị, mộng mơ.
(Theo Tapchisonghuong)