Tú cầu (tức là quả còn) to bằng nắm tay trẻ con, bọc gấm, buộc 20 dải ngũ sắc. Ai thắng được thưởng chén rượu, ai thua phải uống nước lã.
Hiện nay, ở các vùng đồng bào dân tộc Mường và Thái trong những ngày Tết hàng năm vẫn tổ chức thi ném còn. Quả còn hiện nay là một trái cầu to bằng quả cam lớn, khâu bằng vải, trong ruột nhồi bông, ngoài bọc vải màu có tua ngũ sắc sặc sỡ rất đẹp.
Sân thi ném còn là một khoảng đất rộng, ở giữa trồng một cột tre, trên ngọn có một vòng tròn đường kính hơn 2 tấc, để làm đích ném. Nam nữ thanh niên chơi ném còn đứng ở 2 phía sân đối diện nhau để lần lượt thi ném quả còn cho lọt vòng tròn. Người xem đứng vây xung quanh sân, vừa xem vừa cổ vũ, động viên. Người ném cầm tua còn quay mấy vòng lấy đà rồi tung quả còn vút lên. Quả còn lướt lên ngọn tre, những dải tua còn bay xòe ra trông rất đẹp mắt.
Mỗi khi có quả còn được ném trúng vòng tròn trên ngọn tre, người xem hò reo khen ngợi, khích lệ rất sôi nổi. Vòng tròn trên ngọn tre có dán giấy hồng điều. Quả còn ném trúng, mặt giấy sẽ bị thủng rơi sang phía đối diện. Cuộc thi thường chia ra 2 bên, mỗi bên một đội hoặc chia theo từng đôi nam nữ ăn ý nhau từ trước.
Ném còn vừa để đua tài, vừa để tìm hiểu bạn tình, có thể tiến tới hôn nhân trong tương lai. Phần thưởng cho những người ném giỏi là những bát rượu mời nhau, trao ánh mắt nụ cười và lời hẹn hò gặp gỡ.
Cuộc thi ném còn cứ thế tiếp tục suốt ngày vui khó dứt ra về.