Chọi gà ngày Tết
15:13
|
11/01/2013
Từ trước thế kỷ XIII, chọi gà đã là một thú vui phổ biến của nhân dân ta trong ngày Tết. Có lẽ vì vậy mà trong Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo có câu: “Cựa gà sắc không đâm thủng áo giáp giặc”, để nhắc nhở đông đảo binh sĩ đừng mải mê chọi gà mà sao nhãng nhiệm vụ luyện tập.
|
Chọi gà ngày xuân |
Người xưa thường nói “Đông như đám gà chọi”. Mỗi hiệp chọi gọi là một “hồ”, tính khoảng 15 phút, cho nghỉ 5 phút lại đấu tiếp. Cặp gà nào khỏe nhất cũng chỉ chọi được 10 hiệp là cùng. Có khi vì cay cú, các chủ gà cho chọi đến cùng, gọi là chọi “kỳ tẩu, kỳ tử” tức là đến khi một con bỏ chạy hoặc chết tại trận thì cuộc chọi mới chấm dứt.
Trước khi vào cuộc chọi, người ta phải đưa gà ra so về chiều cao và cân nặng, gà của 2 bên có cân sức mới cho chọi. Con nào ở thế yếu hơn sẽ được cấy thêm lông cánh để nó có thể bay lên đá hoặc con nào thế mạnh hơn thì phải dùng vải bọc cựa để giảm bớt sức mạnh. Muốn có con gà đủ điều kiện đi chọi thi, việc chọn và nuôi gà chọi cũng khá công phu, lại phải kiên nhẫn rèn luyện cho con gà đủ sức chiến đấu dẻo dai và gan dạ.
Các cụ nuôi gà chọi lâu năm thường nói: “Muốn có gà chọi tốt, trước hết phải lựa chọn đúng tông gà, giống gà nòi đã giật được nhiều giải chọi”. Ở Hà Nội, nhiều nơi nuôi gà chọi nổi tiếng như làng Đăm (Tây Tựu), làng An Phú (Nghĩa Đô), làng Nghi Tàm, phố Nguyễn Khuyến v.v... Đặc biệt, ở làng Đăm có giống gà nhỏ, nhẹ hơn đối thủ bốn lạng nhưng nhanh nhẹn nên thường đánh thắng các con gà lớn hơn.
Kinh nghiệm chọn giống gà chọi đã được người xưa đúc kết rằng:
Đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai
Dài đùi, ngắn quản chẳng thua ai (quản còn gọi là khoản tức cẳng chân).
Trên thế giới, có nhiều nước nuôi gà chọi. Tại châu Á, các nước nuôi gà chọi nổi tiếng gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Trung Quốc... Gà chọi của Việt Nam đá đẹp và gan dạ vì thế đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
(Theo Tuoitre)