Đặc trưng cỗ Tết ba miền
10:43
|
11/01/2013
Từ đầu tháng 12 âm lịch, các bà nội trợ bắt đầu chuẩn bị sắm sửa Tết cho gia đình. Họ mua về các loại thực phẩm như gạo nếp, đỗ xanh làm nhân gói bánh, nấu chè, rồi đến các loại đồ khô như măng, miến tàu, bóng bì, nấm hương... và không quên chuẩn bị thêm vại dưa hành. Nhà nào cũng mua một quả gấc chín đỏ để nấu xôi cúng tất niên vì màu đỏ của gấc được coi là may mắn.
|
Mâm cỗ Tết |
Ngày 27 Tết, nhiều nhà bắt đầu ngâm đỗ, rửa lá dong rồi đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh chưng, bánh tét. Không khí Tết bắt đầu với sự tất bật, náo nhiệt từ nhà ra ngõ.
Ngày 29 Tết, ở miền Bắc, các nhà rục rịch bắc nồi, nhóm lửa để nấu bánh chưng xanh. Ở miền Trung, miền Nam thì nấu bánh tét. Các bà nội trợ xào thịt thủ hoặc thịt chân giò, trộn mộc nhĩ để gói giò.
Có một món các bà nội trợ đảm đang không thể quên là nồi cá kho riềng. Một lớp riềng thái mỏng lót ở đáy nồi, những miếng cá được rán qua xếp lên trên, muốn cá ngon hơn thì thêm ít thịt ba rọi lẫn vào để cá thêm ngọt và béo. Miếng cá kho riềng thơm, thịt chắc, đậm đà ăn với bánh chưng, dưa hành thật lạ miệng, mang đậm hương vị Tết.
Sáng 30, bánh chưng, bánh tét đã chín được vớt ra, nén xong, được treo lên thành từng cặp.
Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Việt không thể thiếu món giò lụa. Cả mâm, đủ bộ là "bốn bát, sáu đĩa". Bát bóng nấu với chân tẩy, thịt lợn và nước dùng gà, sang hơn thêm ít tôm lột; chân tẩy là các loại như: su hào, cà rốt được thái mỏng theo hình hoa cho ngon và đẹp mắt. Bát miến nấu lòng gà. Bát măng kho ninh với chân giò, điểm vài củ hành. Còn "sáu đĩa" là: đĩa xôi, thịt gà luộc, thịt heo đông, đĩa xào, đĩa giò lụa (hoặc giò xào), cá kho riềng, thêm đĩa nộm và dưa hành, dưa kiệu trắng muốt. Các nhà khá giả còn nấu thêm một số món như: măng tây, vây, bóng thủ, nấm thả, chim hầm... Ngoài thịt gà luộc còn có gà rán hay thịt kho tàu, hạnh nhân xào, lạp xường, trứng muối, đĩa nộm bằng rau câu trộn với thịt heo.
Người Việt vốn chuộng hình thức nên mâm cỗ Tết truyền thống thường được các bà nội trợ bày biện khéo léo, đẹp mắt. Đĩa xôi gấc đỏ tươi, các món nấu được rắc hành, rau thơm lên trên trông ngon mắt. Đĩa nộm nhiều màu sắc hài hòa: rau mùi xanh, ớt đỏ, đậu phộng rang vàng và su hào trắng, chỉ thoạt nhìn, đã thấy thèm. Cỗ Tết vừa đẹp, vừa thơm ngon, bổ dưỡng.
Từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đến các tỉnh miền Nam, trước đây, vào ngày Tết, nhà nhà đều gói bánh tét. Bánh được gói bằng lá chuối với các nguyên liệu như khi gói bánh chưng, chỉ khác là gói dài như bó giò. Khi cắt lát dọn ra đĩa, nhân bánh nổi lên như những nhụy hoa xuân.
Từ miền Trung vào Nam còn có một số loại bánh đặc trưng như bánh phu thê (Huế), bánh hỏi (Bình Định), bánh măng, bánh dừa mận...
Các món ăn mặn trong cỗ Tết ở Huế và miền Nam cũng có nhiều điểm khác với miền Bắc. Ngoài những món thông thường như thịt gà, thịt heo... người Huế đặc biệt thích món chua nhẹ, dễ tiêu như món gỏi, gồm: đu đủ xanh, giá sống, vừng lạc, thịt ba chỉ, da bò trộn dấm, đường, tỏi, ớt, ngô.
Cỗ Tết miền Trung và miền Nam còn có các món đặc biệt như: món xà lách trộn thịt bò, chả tôm, nem bò lụi, ăn một lần thật khó quên. Tết ở Sài Gòn không lạnh như ở Hà Nội và người Sài Gòn ăn Tết cũng không cầu kỳ. Cỗ Tết ở đây nhiều đồ nguội, chỉ có hai bát nấu như chân giò hầm với mấy vị thuốc bắc, món mướp đắng bỏ ruột nhồi thịt, hầm nhừ. Người Sài Gòn ăn thịt gà không thích chặt mà thích xé phay. Gà luộc xé miếng, trộn lá chanh, rau răm, ăn kèm hành tây thái mỏng thêm các loại rau, gia vị thật thơm ngon. Còn cỗ Tết Bình Định mà thiếu bánh phồng, bánh tráng thì coi như mới "ăn Tết một nửa". Những chiếc bánh nở tròn, xốp, thơm phức, làm bằng bột gạo nếp hoặc mỳ (sắn) được nướng bằng than củi.
Bàn về mâm cỗ Tết trên 3 miền ở đất nước ta thật phong phú, đa dạng và mang đậm nét truyền thống ẩm thực của từng vùng, miền. Vào ngày đầu xuân, quanh mâm cỗ Tết là lúc ông bà, cha mẹ, con cháu họp mặt quây quần vui vẻ bên nhau, tình cảm gia đình đầm ấm, tình người lan tỏa trong sắc xuân từ khắp nơi ùa về.
(Theo Vietnamnet)