Cảnh báo khi "rừng rậm" của XY thưa thớt
09:37
|
05/04/2013
Ở độ tuổi mới lớn, XY phải đối mặt với biết bao sự thay đổi trong cơ thể. Mặc dù đã được trang bị kiến thức ở phổ thông, XY vẫn không khỏi hoang mang, thắc mắc khi khu rừng rậm có vẻ thưa thớt bất thường. Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Cùng tìm hiểu thôi nào!
Tại sao "tóc" của "cậu bé" lại bị rụng?
Việc rụng lông ở vùng kín là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường. Vi-ô-lông ở vùng sinh dục cũng như tóc ở trên đầu chúng ta vậy, đều bắt đầu bằng việc mọc rồi dần dần rụng đi. Hàng ngày tóc “hi sinh” hàng chục sợi nên nếu lông vùng kín có “ra đi” vài sợi thì cũng không sao!
Tuy nhiên, nếu “cánh rừng” ở “vùng kín” có hiện tượng rụng bất thường (chẳng hạn rụng với số lượng nhiều hoặc trọc một mảng) kèm theo biểu hiện ngứa thì các chàng cần phải đi khám ngay. Bởi hiện tượng đó có thể xuất phát từ nhiều chứng bệnh đáng ngại đấy!
Những căn bệnh khiến "rừng rậm" thưa thớt
1. Viêm chân lông
Viêm chân lông xảy ra khi chân lông bị hư hại do việc cạo lông, râu hay tóc hoặc quần áo cọ xát thường xuyên vào da. Tuyến dầu, tuyến mồ hôi tại chân lông cũng có thể bị tắc nghẽn vì dầu từ da hoặc các sản phẩm ta dùng để thoa trên da (mỹ phẩm, các loại kem chống nắng…). Từ đó, lông mu rụng làm thưa từng mảng lớn là điều không thể tránh khỏi. Thêm vào đó, việc vệ sinh kém kèm với khí hậu ẩm ướt là những điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm chân lông phát tán nhanh chóng.
Cách chữa trị
Thông thường, viêm chân lông nhẹ sẽ tự lành trong vòng 2 tuần lễ. Các bạn có thể đắp băng gạc nhúng trong dung dịch nước có tính axit như chanh sẽ khiến bệnh mau lành hơn. Nếu sự nhiễm trùng tiếp diễn, XY cần dùng thuốc kháng sinh, chống vi khuẩn (antibacterial) hoặc chống nấm (antifungal). Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc và phương hướng điều trị phải được bác sĩ chỉ định sau khi khám trực tiếp. Ngoài ra, khi tắm, các ấy nhớ dùng các loại thuốc chứa kháng sinh để chữa viêm chân lông.
Biện pháp phòng ngừa
- Tránh mặc các loại y phục sát da.
- Thường xuyên làm gọn vi-ô-lông để không tạo cơ hội cho vi khuẩn trú ngụ.
- Chùi rửa bồn tắm theo tiêu chuẩn vệ sinh và tránh dùng các bồn tắm công cộng.
2. Ung thư tinh hoàn
Căn bệnh này là khối ung thư phát triển thành cục cứng trong tinh hoàn, có lúc sờ thấy cứng ở đỉnh hay mặt sau, kèm cảm giác đau, đôi khi có thêm cảm giác nằng nặng ở bẹn hoặc bìu và sốt. Bệnh làm rối loạn chức năng hormone nơi vùng kín và ách tắc các chất dinh dưỡng đi đến nơi đây, khiến lông mu xung quanh tinh hoàn trở nên yếu, màu sắc nhợt nhạt và dễ rụng.
Cách chữa trị
Nếu như bệnh được phát hiện sớm, khối u có thể được cắt bỏ và vùng "tam giác ngọc" sẽ sớm phục hồi như cũ. Ở tình huống xấu nhất, khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn cuối, ung thư tinh hoàn phải trải qua các buổi xạ trị và dùng thuốc kèm theo. Lúc này, việc "gây rừng" lại nơi vùng kín sẽ rất khó khăn.
Phương pháp chẩn đoán
- Bước 1: Đứng trước gương xem có sưng ở vùng tinh hoàn không.
- Bước 2: Kiểm tra tinh hoàn bằng hai tay, ngón giữa ở dưới và ngón cái ở trên tinh hoàn.
- Bước 3: Nắn nhẹ nhàng hai bên tinh hoàn, đừng quá lo lắng nếu thấy tinh hoàn hai bên không đều nhau vì đó là bình thường.
- Bước 4: Kiểm tra mào tinh hoàn, đây là một ống mềm nằm phía sau tinh hoàn có nhiệm vụ chứa tinh trùng. Vị trí phổ biến nhất của u tinh hoàn là phía hai bên cũng có thể ở phía trước.
Bạn có thể kiểm tra bất cứ lúc nào cảm thấy thuận lợi, đơn giản nhất là kiểm tra sau mỗi lần tắm. Nếu phát hiện điều gì bất thường thì nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám phát hiện sớm ung thư, tránh để bệnh quá muộn. Đây là bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
(Theo Kenh 14.vn)