Những điều cần biết khi mua đào Tết Quý Tỵ
17:49
|
30/01/2013
"Đào bung nụ bằng cách ủ “áo nilon” như thế thường có lợi thế là nụ ra đều, nhưng nụ bị còi và sẽ nở cùng một đợt, nhanh tàn".
Cách nhận biết đào bị ép nở
Đợt giá rét bất thường kéo dài hơn 20 ngày từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 âm lịch năm nay đã khiến nhiều nhà vườn Hà Nội lao đao, tìm đủ trăm phương ngàn kế để cứu đào khỏi “điếc”.
Ông Thành cho biết, nghề trồng đào lắm thú vị, nhưng nhiều rủi ro và cực kỳ vất vả. Chưa cần bàn đến chuyện tạo thế, uốn dáng cây, chỉ nội việc tuốt lá cho đào đã là cả một nghệ thuật công phu. Thường thường, nếu thời tiết thuận, chừng trung tuần tháng 11 âm lịch, người ta phải tuốt hết lá để đào nuôi nụ, đảm bảo nụ ra nhiều, đều lứa.
|
Nông dân làng Ngọc Trục phải trùm "áo" nilon thúc đào trổ nụ. |
Đợt rét vừa rồi khiến các nhà vườn phải xoay xở đủ kiểu để “đánh lừa” ông trời. Họ dồn sức cứu những gốc đào còn lại, mong vãn hồi một cái Tết trong sắc hồng. Lá đào được tuốt sớm hơn một chút, khoảng đầu tháng 11 âm lịch. Đến thời điểm này, khi cây đã trổ nụ, phải chú ý thêm đến các mầm lộc, nếu có lá nào hơi “bánh tẻ” phải ngắt ngay để cây tập trung nuôi nụ.
Đó là với những cây đào chịu trổ nụ, còn với những cây có nguy cơ “điếc”, nhiều nhà vườn phải tích cực kích hoa, phổ biến nhất là trùm kín cây bằng một lớp nilon dày. Một chủ nhà vườn tiết lộ, bĩ cực lắm người trồng hoa mới phải kích đào bằng phương pháp phi tự nhiên này. Bởi “cũng như hoa quả bị chín ép, đào bung nụ bằng cách ủ “áo nilon” như thế thường có lợi thế là nụ ra đều, nhưng nụ bị còi và sẽ nở cùng một đợt, nhanh tàn, không có độ trễ tự nhiên, khó có đủ nụ nhỏ, nụ nhỡ, hoa, quả, lộc non trên cây như gốc đào nở tự nhiên", anh cho biết.
Tình hình ở các vườn đào Nhật Tân, Phú Thượng cũng rơi vào trạng thái tương tự. Các chủ vườn chủ động tuốt lá sớm để đào nở kịp Tết, nhưng sau đợt rét mạnh vừa qua, nhiều luống đào có nguy cơ nở muộn.
|
Những cây đào "khủng" nhất làng Nhật Tân cũng có thể bị "điếc" nếu nhà vườn không kích nở bằng "áo" nilon. |
Người Nhật Tân cũng hối hả “ốp” đào nở bằng cách mặc “áo nilon”, thậm chí còn tưới nước ấm, thúc bằng phân bón và… chăng đèn để dụ đào ra nụ.
|
... nước ấm ... |
Bước vào những ruộng đào Nhật Tân, xen với sắc hồng phai, hồng bích, với màu xanh non mơn mởn của nụ, của chồi là những màu trắng xóa nilon. Được ấp ủ, đào cũng như chiều lòng người, một số nụ đã lấp ló nhú trắng từ những nách đào mảnh khảnh. Cây đào nào đã có nụ to chừng hạt đỗ sẽ được cởi “áo” cho hít khí trời; còn những cây có nguy cơ nở muộn vẫn sẽ bị thúc đèn, nước ấm.
|
Khi đào nhú nụ trắng, âu lo của nhà vườn vơi đi một nửa. |
Bác Lan, một người trồng đào ở làng Nhật Tân chia sẻ, quá trình kích đào sẽ kết thúc trước ngày ông Công ông Táo. “Kích như thế mà đến 23 tháng Chạp, gốc nào không chịu ra nụ thì thôi, vì phải có ít nhất 3 – 5 ngày tiếp xúc với khí trời tự nhiên, cây mới “hồi”, khi đó mới đánh gốc đem bán được.”
Tâm lý của người bán là chỉ mong thu hồi vốn, kiếm chút đỉnh
Làng đào Ngọc Trục, Đại Mỗ, Từ Liêm có khoảng vài chục hộ trồng đào, không ai tránh được chuyện đào “toi”. Nhà nào may mắn thì giữ được 80% - 90% vườn, cũng có nhà xui xẻo, chỉ còn 50% - 60% gốc có thể ra hoa đúng vụ.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một nông dân có thâm niên trồng đào hơn 20 năm chia sẻ: “Nhà tôi có xấp xỉ trăm gốc đào, qua đợt vừa rồi chết mất 20 cây, mà chết hẳn, không thể cứu vãn được nữa. Đau nhất là có những cây già tôi trồng từ khi bé bằng cái tăm, giờ gốc đã to bằng bụng chân, dáng vừa cổ kính vừa sang trọng, tôi không dám bán, chỉ chuyên dành cho thuê, năm nay tự dưng lăn đùng ra chết. Cả vườn chỉ còn lại chừng 70 – 80 gốc có thể thu tiền”.
|
Người trồng đào lo âu vì thời tiết. |
Chung hoàn cảnh với anh Hùng, ông Nguyễn Đắc Thành, cũng là một người trồng đào có thâm niên cho hay: “Đợt rét đậm kèm mưa muối vừa rồi khá nặng, vườn nhà tôi cũng chết mất một ít, chỉ có vài gốc mới trồng, còn lại toàn là những cây già từ 5 – 8 năm. Chúng cứ tự dưng khô quắt lại, chẳng còn nhựa nữa, chẳng khác gì củi khô. Cũng có mấy cây có hiện tượng “điếc”, chưa biết có kích cho ra nụ được không”.
Tỉ mẩn tuốt lá, ngắm những mắt đào đầy hứa hẹn, ông Nguyễn Văn Thắng (làng đào Ngọc Trục) hy vọng năm nay mình sẽ có một cái Tết tươm tất.
|
Tự tin rằng sản phẩm của làng mình đủ sức cạnh tranh với đào Nhật Tân... |
Ông tự hào khoe: “Đào ở làng chúng tôi không thua kém gì đào Nhật Tân, cánh hoa rất dày, màu sắc tươi tắn, hoa to và bền, còn dáng thì ở đâu cũng thế. Một số gốc đào cổ còn có cả hương thơm nữa. Từ đầu vụ tôi mới bán được vài cây thôi, nhưng nhiều khách quen đã gọi điện dặn tôi để dành hàng đẹp.”
|
Nhiều nhà vườn dự đoán, giá đào năm nay không cao hơn năm ngoái. |
Tuy nhiên, nhiều hộ trồng đào ở Ngọc Trục dự đoán, giá đào năm nay khó cao hơn năm ngoái, thậm chí giữ được đứng giá cũng là may. Anh Hùng tiết lộ: “Năm nay khách đến xem cũng khá đông, nhưng tôi chưa bán được nhiều. Từ doanh nghiệp đến cá nhân đều khó khăn, tiền nong không xông xênh như trước. Năm nay tôi chỉ mong thu hồi vốn, có thêm chút đỉnh lãi là may, chứ lãi chừng 100 – 200 triệu như mấy năm trước chắc không dám mơ.”
Còn anh Phạm Đăng Khoa, một người buôn đào thì phấn khởi khoe, anh đã “xí” được mấy cây đào đẹp để bán cho các khách hàng VIP của mình với giá hời. Anh cho biết, đào ở các nhà vườn tại làng Ngọc Trục hoặc Dương Nội có giá mềm hơn so với làng Nhật Tân. “Quan trọng là tìm được cây đẹp, hợp ý khách, còn nguồn gốc đào, theo tôi không phải là vấn đề. Đào ở các làng ngoại thành cũng đẹp và bền chẳng kém gì đào Nhật Tân. Thậm chí, nhiều người ở Nhật Tân cũng về đây mua và bán lại để kiếm lời.” – anh Khoa quả quyết.
Nhận định về xu hướng chơi đào nói chung, anh cho rằng, năm nay thị trường sẽ thiên về đào cành và đào “xách tay” (cây nhỏ nhắn, cao chừng 50 – 80 cm, thế đẹp). Theo anh, đào cành lúc nào cũng dễ bán hơn cả, vì giá cả hợp lý, chỉ khoảng 100.000 đồng – 500.000 đồng là có một cành như ý. Đào “xách tay” cũng có giá hợp lý tùy vào thế cây, nhưng chỉ khoảng 2 triệu/cây là đẹp long lanh.
|
Anh Khoa "xí" gốc đào này từ tháng 11 âm lịch. |
Ở làng Nhật Tân, tình hình có vẻ khả quan hơn, dù diện tích trồng đào đã co hẹp hơn nhiều so với thời xưa. Những nông dân còn gắn bó với nghề cho biết, dù khó khăn nhưng họ vẫn kiếm sống được vì thương hiệu đào Nhật Tân đã gắn bó với tâm thức của người tiêu dùng.
|
Nhiều người làng Nhật Tân vẫn gắn bó với nghề trồng đào. |
Cũng như ở các làng đào ven đô, năm nay, các nhà vườn Nhật Tân tập trung nhiều hơn vào đào cành.
|
Đào được thu hoạch sớm. |
Những cây đào gốc cổ thụ, gốc ghép với đào rừng với các thế ngũ phúc, long phượng, tam long, phụ long huấn tử… cũng vẫn được khách chuộng, nhưng nhà vườn thường chỉ cho thuê chứ không bán đứt, vì công chăm sóc họ bỏ ra rất nhiều, hơn nữa, đào càng lâu năm càng có giá hơn.
|
Giá thuê những gốc thế "cửa long" dao động chừng 5 – 20 triệu 1 tháng. |
Một số chủ vườn cho biết, ngoài nguồn thu từ việc bán, cho thuê đào, họ còn mở dịch vụ chụp ảnh vườn đào. Những luống đào “lỡ” nở sớm hoặc các luống chuyên cắt cành chưa thu hoạch sẽ được tận dụng để kiếm tiền cho gia chủ. Cũng nhờ vậy, người trồng đào Nhật Tân dường như bình tĩnh và lạc quan hơn những “đồng nghiệp” ở ngoại ô.
(Theo Afamily.vn)