Kama Sutra - cẩm nang tình dục cổ đại
02:00
|
23/01/2013
|
Sách Kama Sutra |
Kama Sutra, cuốn sách nổi tiếng về tình dục của người Ấn Độ cổ đại được trình bày rõ ràng với hình minh họa phong phú, gồm 7 phần và nhiều chương, từ cơ bản đến nâng cao. Sách còn có những phân tích về động tác, thời điểm, phương pháp làm "chuyện ấy". Như những gì sách nói thì chuyện chăn gối không phải là điều bình thường mà được nâng lên thành một công trình nghiên cứu của khoa học.
Kama Sutra theo tiếng Phạn gồm “Kama” là tên của vị thần tình yêu thể xác (tương tự thần Eros hay Cupidon của Hy Lạp); “Sutra” có nghĩa là “châm ngôn”. Kama Sutra được hiểu là những luận bàn về tình yêu thể xác.
Những luận bàn đó có nguồn gốc từ rất lâu đời, nhiều thế kỷ trước CN. Nhưng từ thế kỷ IV đến VII (có tài liệu cho là từ thế kỷ I đến V) thì có một người tên là Vatsyayana tập hợp lại thành tuyển tập với nhiều tranh minh họa, nhiều lời khuyên và mô tả nhiều tư thế tình dục (khoảng 20 tư thế) khác nhau.
Vatsyayana muốn truyền bá những thông tin trong Kama Sutra vì tin rằng chúng rất cần thiết trong cuộc sống (lúc đầu Kama Sutra chỉ nhằm phục vụ giới quý tộc).
Từ thế kỷ XIX, những gì còn sót lại của tuyển tập đã được dịch ra các thứ tiếng ở châu Âu. Và đây cũng là một tài liệu có ích nhằm nghiên cứu đời sống con người Ấn Độ cổ đại.
Sách không chỉ viết về những hoan lạc mà con người có thể có nhờ 5 giác quan, mà còn cả những vui thú trí tuệ, tâm hồn; không chỉ bàn luận về tình dục mà còn có cả lối sống, nghệ thuật sống để những người "có văn hóa" cần biết. Ví dụ đề cập đến âm nhạc, cách ăn uống và cách thưởng thức các mùi thơm…
Kama Sutra cũng đề cập đến nhiều khía cạnh trong chuyện phòng the như: Mô tả các hành động tình dục; những gì đôi bạn tình chờ đợi ở nhau và đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng; khẳng định rằng nam giới không phải là người có vai trò dẫn dắt.
Các vấn đề xoay quanh chuyện gần gũi được Kama Sutra đề cập rất chi tiết, cụ thể, như vấn đề “kích thước” và hòa hợp tình dục; “lệch pha” thời điểm, lệch pha ham muốn; vai trò của trí tưởng tượng; những tư thế, kiểu vuốt ve, ôm ấp; căn dặn cho đêm tân hôn; thực đơn trong bữa ăn; vệ sinh thân thể trước và sau khi giao hợp; các cách chữa bệnh ở cơ quan sinh dục; cách thức để tạo ra một dòng giống thông minh, khỏe mạnh; cách sửa chữa thất bại khi không làm cho phụ nữ được thỏa mãn; những huyễn tưởng cần thiết và cả hành vi tình dục đồng giới…
Như vậy, nhiều nội dung của sách không khác nhiều so với sách hiện đại ngày nay, thậm chí còn có vẻ gợi dục và trần trụi với cả độc giả phương Tây. Tác phẩm này hơn 25 thế kỷ qua là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác âm nhạc, công trình kiến trúc và văn học ở khu vực Đông Nam Á.
Trong Kama Sutra chỉ có 1 chương về tình dục trong tổng số 7 chương, tức là chỉ có 5/250 trang sách. Những chương khác bàn về hôn nhân và mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà ngoài hôn nhân. Một chương bàn riêng cho gái làng chơi và chỉ lưu hành trong giới này của xã hội ấy. Chương cuối nói về những cách thức kích thích tình dục và cả những bài thuốc.
Như vậy, Kama Sutra không phải chỉ là sách phục vụ cho một số đối tượng ăn chơi tìm kiếm những kỹ thuật tình dục tân kỳ. Nhiều sách tình dục viết sau này cũng chỉ là diễn giải chi tiết những điều cơ bản mà Vatsyayana miêu tả.
Sau Kama Sutra cũng có nhiều sách khác viết về tình dục nhưng không có sách nào đáng chú ý về văn phong cũng như về tư liệu như cuốn sách này.
(Theo Dantri)