Cẩn trọng với những bệnh hay gặp ở chân
15:00
|
14/04/2023
Đôi chân có lẽ là bộ phận ít được chăm chút nhất trên cơ thể bạn. Tuy nhiên, vùng cơ thể này không cũng có thể gặp một số chứng bệnh gây đáng ngại nếu bạn không sớm phòng ngừa và biết cách điều trị sớm nếu mắc.
|
Nên chú ý giữ sức khỏe cho đôi chân bạn |
Chai chân
Đây là vùng da cứng, sần sùi thường phát triển ở vùng gót chân, ngón chân, đặc biệt là ở những điểm tiếp xúc. Nguyên nhân chính của chai chân là do việc sử dụng giày dép không vừa, gây cọ xát vào chân, lâu ngày sẽ gây chai sần, thậm chí là đau đớn, khó chịu.
Nếu vùng chai đó gây đau đớn, cách tốt nhất là đi khám bác sỹ. Thầy thuốc có thể cắt bỏ vùng chai hoặc cho bạn những lời khuyên bổ ích trong việc sử dụng giày, lót giày phù hợp.
Để phòng ngừa chai chân, cần tránh đi giày quá chật, hoặc quá cao, gây sức ép cho đôi bàn chân. Những đôi giày quá rộng cũng khiến đôi chân ban bị trượt và cọ xát, gây chai chân.
Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Biểu hiện vùng da bị sưng tấy ở ngón chân cái, có thể do mang giày dép không phù hợp. Với trường hợp này, bạn có thể dùng miếng đệm lót để ngăn sự cọ xát khi đi giày, giúp cho ngón chân được thoải mái. Nếu bệnh nghiêm trọng, bác sỹ có thể phẫu thuật loại bỏ vùng sưng tấy.
Để phòng ngừa, bạn cần đảm bảo đôi giày của mình không đè ép lên các ngón chân. Lưu ý, nên chọn kiểu giày có mũi đủ dài để có khoảng cách giữa các đầu ngón chân với mũi giầy. Tránh đi giày cao gót trong một khoảng thời gian dài vì chúng dồn các ngón chân bị ép lại.
Hột cơm (mụn cóc)
Bệnh gây ra bởi một loại virus thường thấy ở lòng bàn chân hoặc các kẽ chân. Ban đầu, mụn chỉ là một nốt nhỏ nhưng sau đó có thể phát triển thành từng đám, chai cứng và có thể gây đau.
|
Chú ý tới những biểu hiện bất thường ở bàn chân để điều trị sớm |
Nếu hột cơm không gây đau thì tự để cho hệ miễn dịch cơ thể đào thải. Nhưng nếu to và gây đau cần đi khám để bác sĩ để có phương pháp xử lý. Mặt khác, loại virus gây mụn cơm thường có trong môi trường ẩm ướt như bể bơi, phòng tắm công cộng... vì thế, mỗi khi đến những nơi này, bạn cần chú ý đi dép và vệ sinh sạch sẽ.
Bệnh bàn chân “lực sĩ”
Là căn bệnh do một loại nấm lây nhiễm, có thể gây đau, ngứa ở vùng da giữa các ngón chân, dẫn đến tình trạng da nứt nẻ và đóng vảy. Bệnh cũng có thể gây ra mùi khó chịu và ảnh hưởng đến các móng chân, làm cho chúng bị dày lên và chuyển sang màu nâu.
Có thể điều trị bệnh bằng các thuốc có tác dụng diệt nấm. Để phòng bệnh, nên thay tất hàng ngày và không nên đi cùng một đôi giày trong hai, ba ngày liên tiếp. Sau khi tắm, hãy lau khô các kẽ ngón chân vì nấm rất dễ phát triển trong môi trường ẩm ướt.
Viêm kẽ móng chân
Là tình trạng vùng da quanh móng chân bị sưng tấy, gây đau đớn do móng chân phát triển và chọc vào da.
Trong trường hợp này, bạn có thể ngâm chân trong nước muối để ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm mùi hôi.
Cách phòng bệnh tốt nhất là đừng cắt móng chân theo hình vòng cung mà phải cắt móng chân thẳng. Ngoài ra, đi các loại giày quá rộng hoặc quá chật đều không tốt cho bàn chân.
(Theo Danviet)