Điều trị và phòng ngừa... "gãy kiếm"
06:00
|
15/04/2023
Chấn thương “cậu nhỏ” thường xảy ra khi dương vật trong trạng thái cương cứng làm tổn thương lớp vỏ bao quanh vật hang, gây ra tụ máu bầm tím “cậu nhỏ” hay tụ máu dưới da bìu, tầng sinh môn, vùng bẹn, gây biến chứng nhiễm khuẩn khối máu tụ, biến dạng “cậu nhỏ” và rối loạn cương dương.
Việc điều trị sớm bằng cách giải phóng khối máu tụ và cầm máu sẽ tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra, đồng thời phục hồi chức năng “bản lĩnh đàn ông” cho người bệnh.
Tại sao bị tai nạn?
Vật hang là một cơ quan hình trụ cùng với vật xốp để tạo nên hình thể. “Cậu nhỏ”có 2 vật hang nằm ở 2 bên và một vật xốp nằm ở giữa bên trong có niệu đạo. Vật hang được bọc trong lớp vỏ trắng khi kết hợp lại tạo ra một vách liên vật hang có các lỗ thông giúp cho 2 vật hang hoạt động như một đơn vị duy nhất. Cả 3 thành phần 2 vật hang và một vật xốp được cấu tạo bởi mô cơ trơn xen lẫn mô liên kết xốp bao quanh những xoang mạch máu và được bao bọc quanh 2 lớp mạc nông và sâu.
Chất vỏ trắng được cấu tạo bởi bó sợi collagen, có độ chun giãn đàn hồi. Lúc “cậu nhỏ” ở trạng thái bình thường, lớp vỏ trắng dày 2 - 3mm. Khi “cậu nhỏ” cương cứng, lớp vỏ trắng rất mỏng khoảng 0,5mm. Do đó một khi tác động một lực mạnh vào “cậu nhỏ” lúc ở trạng thái cương cứng rất dễ bị chấn thương làm rách vỏ bao. Chấn thương này làm cho máu trong vật hang chảy ra lan xuống lớp mạc gây ra khối máu tụ, khi nhìn bên ngoài “cậu nhỏ”bầm như trái cà tím.
Tai nạn xảy ra như thế nào?
Thường xảy ra lúc “cậu nhỏ” cương cứng cao độ, chỉ cần một lực tác động vào gốc dương vật hay vào thân dương vật làm cho các lớp vỏ bao quanh vật hang bị rách, vỡ làm cho máu trong vật hang thoát ra ngoài. Nguyên nhân “cậu nhỏ” bị tai nạn thường xảy ra trong lúc giao hợp, gặp trong một số tình huống sau: Cuống quýt đưa “cậu nhỏ” vào nên bị lạc đường đâm vào chỗ khác; Cưỡng hiếp; Giao hợp trong nhiều tư thế, nhất là tư thế ngồi, lăn lộn nhiều vòng; Trong lúc giao hợp thay đổi tư thế đột ngột; Giao hợp qua đường hậu môn ở tư thế không phù hợp; Thủ dâm. Ngoài ra một số các nguyên nhân khác cũng thường gặp: Tự bản thân người bệnh bẻ đôi “cậu nhỏ” hay người khác bẻ; Do chấn thương như bị té sấp đột ngột, vật cản đập vào vùng bẹn lúc “cậu nhỏ” ở trạng thái cương cứng.
Cách xác định
Người bệnh cảm giác đau nhiều, đồng thời nghe tiếng “rắc”. Khi đó “cậu nhỏ” đang ở trạng thái cương cứng xẹp xuống rất nhanh. Sau ít phút máu tụ xuất hiện ở vị trí thương tổn và lan rộng xuống bẹn, tầng sinh môn. Máu tụ bầm tím, “cậu nhỏ” biến dạng và cong sang một bên. Có trường hợp đái ra máu, đái khó, bí tiểu cấp hay có máu ở miệng sáo, thường đi kèm tổn thương niệu đạo. Các phương tiện giúp xác định rõ là: Siêu âm Doppler xác định khối máu tụ; Chụp cộng hưởng từ xác định tổn thương mạch máu.
Điều trị
Việc điều trị “cậu nhỏ” bị tai nạn không quá khó. Bằng cách phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy hết khối máu tụ, cầm máu và khâu kín lại bao trắng phục hồi vật hang. Sau khi mổ người bệnh được chăm sóc bằng cách: Dùng thuốc kháng viêm, giảm đau và kháng sinh chống nhiễm trùng; Cố định “cậu nhỏ” trên thành bụng để giảm phù nề sau mổ; Hạn chế sự cương của “cậu nhỏ” bằng thuốc Antiandrogen và Diazepam nhằm mục đích giảm đau và giảm nguy cơ rách bao trắng tái phát; Đặt sonde tiểu (dẫn nước tiểu) cố định khi có nghi ngờ tổn thương niệu đạo; Không được quan hệ tình dục sau 6 - 8 tuần sau phẫu thuật.
Phòng ngừa
Đa số tai nạn xảy ra trong tình trạng “cậu nhỏ” cương cứng do giao hợp không đúng cách, hay vồ vập thái quá. Tất cả các yếu tố trên đều có nguy cơ làm cho “cậu nhỏ” bị tai nạn. Vì vậy, các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ về sức khỏe, giới tính, tình dục trước khi kết hôn và trước khi quan hệ nam nữ. Đặc biệt loại bỏ ngay thói quen tự bẻ “cậu nhỏ” khi đang ở trạng thái cương cứng.
(Theo Suckhoedoisong.vn)