Cẩn thận! Tửu, sắc nó hại ta
12:00
|
16/04/2023
Bộ sách kinh điển về lễ giáo thời xưa - sách Lễ ký có đoạn viết: "Ăn uống, quan hệ đàn ông đàn bà là dục vọng lớn trong bản năng sinh tồn vậy (ẩm thực, nam nữ, nhân chi đại dục tồn yêu)."
Rượu và gái đẹp là hai kẻ đồng hành. Bất cứ loại rượu gì cũng đều tạo ra cảm giác hưng phấn và tự tin hơn cho người uống, tăng ham muốn gái đẹp. Những quý ông xưa ham vui, có người đã từng than thở: “Một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó hại ta/ Bỏ được thứ nào hay thứ ấy…”.
Rượu có ảnh hưởng mạnh đến tâm lý, làm suy giảm hệ thần kinh trung ương, nhưng lại tăng dục năng. Lúc đầu, rượu làm tăng ham muốn tình dục vì tác dụng ức chế của rượu đến một bộ phận của não có chức năng lý trí và suy xét. Tác dụng này khiến cho người ta có hành vi trái với lúc không uống rượu.
Các nghiên cứu y học cũng đã chứng minh sau khi uống rượu, lượng máu dồn đến cơ quan sinh dục nhiều hơn, tạo cảm giác hưng phấn khó kiềm chế, dễ dẫn đến sự phóng túng quá độ trong tình dục. Rượu cũng có thể làm cho người nào đó đang buồn trở nên vui vẻ hoạt bát hơn “tửu nhập, ngôn xuất” (rượu vào, lời ra) vì đã phá đi tình trạng ức chế. Tuy nhiên, uống nhiều rượu, thậm chí uống say thì rượu làm mất đi khả năng tình dục.
Shakespeare (1564 - 1616), nhà soạn kịch nổi tiếng nước Anh, trong vở kịch Macbeth (hồi 2, cảnh 3) đã viết: “Rượu gây ham muốn (tình dục) nhưng lại lấy đi khả năng thực hành”. Người say rượu thì không thể minh mẫn, mất khả năng tự khống chế, dễ dẫn đến những hành động thô bạo gây nên sự khó chịu cho đối tác. Chính điều này làm tổn thương tình cảm, thậm chí có thể làm tan vỡ cả tình yêu và hạnh phúc.
Bởi vậy, người xưa cũng từng răn đe “tửu hậu cấm dục”, có nghĩa là sau khi uống rượu say thì cấm nhập phòng (sinh hoạt tình dục). Sách xưa Thiên Kim phương viết: “Người trẻ tuổi say rượu nhập phòng thì mặt sẽ đen sạm và sinh hen suyễn; người lớn tuổi thì tổn thương tạng phủ và đoản thọ”. Cảnh Nhạc toàn thư thì viết: “Rượu có tính thấp nhiệt, không làm loạn tình cũng làm loạn tinh…”
Tinh bị loạn, thai nhi không sung sức, tỳ vị bạc nhược mà hay bị các chứng đậu chẩn, kinh phong… Các quan sát trên lâm sàng cũng cho thấy các chứng bệnh như tảo tiết (xuất tinh sớm), liệt dương, tiểu đường… thường có quan hệ với “tửu hậu nhập phòng”.
Trong rượu có những chất độc làm tổn hại bào thai. Vì thế phụ nữ say rượu nhập phòng thường sinh ra những đứa trẻ ốm yếu hay mắc các chứng bệnh viêm nhiễm và mang theo khuyết tật về trí tuệ, tình cảm…
(Theo Dantri.com.vn)