Để tránh bị đau bàn chân
18:00
|
13/04/2023
Trong một khảo sát của Mỹ, 53% người tham gia cho biết họ bị những cơn đau ở bàn chân gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
|
Tuần hoàn máu không tốt sẽ dẫn đến đau chân |
Tình trạng này thường gặp ở độ tuổi 60 nhưng cũng có thể xuất hiện sớm hơn, ở tuối 20 - 30. Nguyên nhân có thể do thừa cân, bệnh tiểu đường và rối loạn tim mạch. Ngoài ra, việc làm móng thường xuyên hoặc chăm sóc đôi bàn chân không đúng cách cũng gây đau chân.
Theo Tiến sĩ Andrew Shapiro - chuyên gia về chân ở Valley Stream (Ý), nhiều người nghĩ bàn chân đau là do quá trình lão hóa của cơ thể và nên không lưu tâm nhiều.
Andrew cho rằng, chứng bệnh này khó tránh khỏi ở người cao tuổi. Tuy nhiên, có thể làm chậm lại quá trình dẫn đến các cơn đau thông qua việc mang giày dép đúng cách và vận động thường xuyên...
Việc trả lời các câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn chăm sóc đôi bàn chân tốt hơn:
• Bạn có bị thừa cân?
Lực tác động lên bàn chân bằng 120% trọng lượng cơ thể. Vì thế, người thừa cân sẽ đặt rất nhiều áp lực lên cấu trúc nâng đỡ của bộ phận này. Từ đó, đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp, đau khớp ngón cái, đau gót, làm ngón chân bị cong và ảnh hưởng xấu tới tuần hoàn máu.
• Bạn có bị tiểu đường?
Bàn chân nằm xa tim nhất nên sẽ là nơi đầu tiên chịu các ảnh hưởng xấu như mất cảm giác, chậm lành vết thương và hoại tử nếu tuần hoàn máu không tốt. Người bị tiểu đường nên gặp bác sĩ thường xuyên để kiểm tra. Tránh dùng các loại giày gây gây áp lực cho chân.
• Tuần hoàn máu của bạn có tốt không?
Nếu bạn mắc chứng hẹp mạch máu ở chân thì bàn chân rất dễ mắc các chứng bệnh. Nếu bạn hút thuốc lá, tình trạng này sẽ càng nặng hơn.
• Cha mẹ bạn có phàn nàn về bàn chân của họ?
Tiền sử bệnh của gia đình là điều quan trọng cần xem xét khi bạn mắc phải bất kỳ chứng bệnh nào. Môi trường sống, tuổi tác đều có ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng yếu tố di truyền cũng không thể xem nhẹ.
• Bàn chân của bạn phẳng hay mu bàn chân cao?
Cả 2 đặc điểm trên đều có thể là nguy cơ dẫn đến các cơn đau. Bàn chân phẳng làm cơ và gân phải co giãn nên bị yếu đi, dẫn tới đau gân và viêm khớp. Mu bàn chân cao khiến áp lực bị dồn lên lòng bàn chân và gót chân nhiều hơn. Tốt nhất bạn nên chọn loại giày rộng rãi, thoải mái và có đệm êm để giảm sốc cho bàn chân.
• Giày bạn đi có vừa vặn không?
Trong một khảo sát, hơn 34% nam giới tham gia cho biết, họ không nhớ rõ lần cuối đo bàn chân là khi nào. 20% phụ nữ cho biết cứ 1 lần/tuần họ mang phải đôi giày làm đau chân và 8% hầu như mang những đôi giày này hàng ngày. Bàn chân sẽ dẹp đi và dài ra khi bạn về già. Vì thế, qua từng giai đoạn tuổi tác, bạn nên đo lại chân, đặc biệt là phụ nữ mang thai bàn, chân thường bị to ra.
• Bạn có mang giày cao gót không?
Giày cao gót dồn áp lực xuống gót chân và phần trước bàn chân, làm ngón chân bị cong, các cơ yếu đi, xuất hiện nhiều vết chai và ảnh hưởng đến sự phát triển của ngón chân. Thông thường, nên mang giày thấp hơn 6cm.
• Chân bạn có hay được "nghỉ ngơi"?
Nấm móng và kẽ chân đặc biệt dễ phát triển trong môi trường ấm và ẩm. Người thường xuyên mang tất và ra mồ hôi nhiều sẽ rất dễ bị nấm chân. Vì vậy, ngoài việc mang tất hút mồ hôi và bôi phấn, bạn nên chọn dùng sandal hay dép có độ thông thoáng. Nên nhớ, hãy để bàn chân được "thoát ly" giày dép khi bạn ở nhà hay bất cứ lúc nào có thể.
• Bạn có hay tới gặp bác sĩ?
Một số tật hay chấn thương nhỏ có thể được ngăn chặn hoặc chữa lành bằng những miếng đệm bàn chân và các loại giày hỗ trợ. Vì thế, hãy tới gặp bác sĩ để được trợ giúp trước khi chúng biến chứng và khó điều trị.
• Bạn có hay đi bộ?
Vận động thường xuyên bằng cách đi bộ là phương pháp tốt nhất để rèn luyện các múi cơ ở chân. Nên đi bộ khoảng 30 phút/ngày để giữ đôi bàn chân luôn chắc khỏe.
(Theo Phunuonline)