Triệu chứng nhỏ cảnh báo nguy hiểm lớn
09:00
|
18/04/2023
Chúng ta thường chủ quan trước những dấu hiệu tưởng chừng như rất đơn giản. Tuy nhiên, nó lại là mầm mống cảnh báo các bệnh tật có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe của bạn. Vì vậy đừng nên chủ quan vàn bỏ qua bất kỳ một dấu hiệu nhỏ nào trên cơ thể.
|
Chuột rút thường xuyên, triệu chứng báo động của cơ thể |
Chuột rút
Nguyên nhân của hiện tượng này có khi chỉ đơn giản là cơ thể ít vận động. Nếu đang bơi bị chuột rút thì do trước đó bạn đã không khởi động, các khớp không dẻo dai nên cơ dễ bị vặn xoáy, gây co rút. Nếu đang nằm trên giường mà bị chuột rút thì do bạn nằm sai tư thế. Nếu đi giày cao gót bị chuột rút thì do cơ co quá mức.
Thế nhưng, nếu thường bị chuột rút vào ban đêm thì cần cảnh giác, vì đây là "tiếng còi" báo động về chứng suy tĩnh mạch (70% các cơn chuột rút ban đêm do suy tĩnh mạch). Sự ứ trệ dòng máu chảy trong tĩnh mạch khiến các cơ bị kích thích, gây co cơ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam (Đại học Y Dược Tp. HCM): Chuột rút là bệnh thường gặp nhưng không được cả thầy thuốc và bệnh nhân quan tâm nên thường phát hiện muộn. Đến nay, chưa có thống kê đầy đủ về bệnh này, nhưng theo dự đoán của các chuyên gia y tế, bệnh sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống.
Giai đoạn cuối của bệnh rất nguy hiểm, vùng da dưới chân có thể bị viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị. Máu di chuyển chậm tạo thành cục máu đông (cục thuyên tắc), có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, gây đột tử (do thuyên tắc động mạch phổi).
Có thể phòng ngừa giãn tĩnh mạch bằng các phương pháp đơn giản: tránh béo phì, không đứng lâu, tránh táo bón; tăng sức bền của thành mạch máu bằng cách tập thể dục; ăn các món giàu vitamin và chất xơ... Khi có triệu chứng tê tay thường xuyên vào ban đêm, cần đi bác sĩ khám để điều trị. Điều nên làm tiếp theo là xoa bóp chân mỗi tối trước khi đi ngủ, gác chân cao hơn đầu, uống nước đầy đủ, không ngồi xổm...
Tê tay
Bị tê tay sau khi thức giấc, người ta thường nghĩ do tay bị cơ thể đè trong lúc ngủ. Điều đó chỉ đúng khi tay bị tê một lát rồi khỏi. Thế nhưng, cần lưu ý khi ngủ dậy, tay tê cứng, cử động khó khăn, đau từ vùng gáy lan xuống vai và cánh tay kèm theo tê tay, nhức đầu vùng sau gáy, chóng mặt, ù tai, hoa mắt... Ở trường hợp này, khi chụp MRI, bác sĩ sẽ phát hiện chứng hẹp các đốt sống cổ.
Theo Tiến Sĩ Lê Chí Dũng thuộc bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Tp HCM: Thoái hóa cột sống cổ là một trong những nguyên nhân gây tê tay (máu lưu thông kém). Ngoài ra, còn có các nguyên nhân: mạch máu xơ chai, cholesterol đóng vào thành mạch làm giảm lưu thông máu hoặc bị mắc các bệnh viêm dây thần kinh, tiểu đường...
Những người làm nghề thợ may, đánh máy, thợ tiện, lái xe... rất dễ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ vì giữ cổ ở một tư thế quá lâu. Các đối tượng này cần tập yoga giúp cho cơ săn chắc để nâng đỡ cổ tốt hơn. Khi ăn uống, cần chú ý dùng nhiều chất đạm, tránh dùng rượu, bia, hải sản.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang - Hội Y học Tp HCM cho biết thêm: Tê tay còn là triệu chứng thiếu các khoáng chất Mg, Ca hay các vitamine nhóm B... (các bà nội trợ thường mắc bệnh này). Nếu bị tê tay (đau từ cổ xuống bàn tay), cơ thể suy nhược, căng thẳng tinh thần... thì chỉ cần giảm áp lực công việc, nghỉ ngơi thư giãn, dùng thuốc một thời gian sẽ hết.
Chướng bụng, rong huyết
Theo Hiệp hội Sản phụ khoa và Hội Ung thư Hoa Kỳ thì ung thư buồng trứng có các biểu hiện: bụng căng chướng, to dần, nhất là phần bụng dưới rốn và thường bị cho là ăn không tiêu. Những triệu chứng dễ bị lầm là bệnh đường tiêu hóa còn có: tiểu nhiều lần, ngán ăn và có cảm giác đầy bụng. Nếu các dấu hiệu trên tái diễn khoảng 3 - 4 tháng và ngày càng rõ rệt, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa sản để được thăm khám.
Tuy nhiên, Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà thuộc bệnh viện Từ Dũ Tp HCM cho rằng, ngay cả khi phát hiện các triệu chứng này thì bệnh cũng đã ở mức độ nặng. Điều cần làm để phát hiện bệnh giai đoạn sớm là khám sức khỏe định kỳ, siêu âm vùng bụng.
Ung thư cổ tử cung là bệnh thường gặp, nhưng đa số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trong giai đoạn muộn. Bệnh này cũng có triệu chứng nhưng không gây đau và dễ lầm tưởng với những bệnh thông thường. Triệu chứng xuất huyết âm đạo, huyết trắng thường bị quy là bệnh rong huyết, nhiễm trùng âm đạo... Trong khi đó, đây là dấu hiệu báo động của bệnh ung thư cổ tử cung, nếu phát hiện trễ, tỷ lệ tử vong rất cao. Vì vậy, phụ nữ sau 30 tuổi nên đi khám phụ khoa ít nhất 1 lần/năm.
(Theo Vietchinabusiness)