Say nắng, nóng phải làm gì?
07:00
|
12/04/2023
Mùa hè ánh nắng chói chang, nhiệt độ ngoài trời tăng cao khiến chúng ta dễ bị say nắng, say nóng với các triệu chứng khó chịu, mệt mỏi, nhức đầu, ngất...
|
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Nếu không sơ cứu kịp thời, đúng cách, có thể dẫn đến tổn thương thần kinh.
Giải cơn say
Theo Tây y, say nắng xảy ra do gắng sức, cơ thể suy kiệt nhưng phải phơi mình dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Còn say nóng là những trường hợp làm việc, họp mặt ở chỗ có nhiệt độ nóng bức quá lâu. Say nắng thường nặng hơn say nóng, dễ làm thương tổn thần kinh. Cách tốt nhất để giải cơn say nắng là hạ nhiệt từ từ.
Ở trẻ em, khi thấy thân nhiệt lên cao, cần cởi bỏ tã giấy và lau mát các vùng nách, trán, bẹn, đến khi nhiệt độ hạ.
Người lớn khi bị say nắng nên đưa ngay vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, chườm mát vùng trán, nách. Nếu có điều kiện, hãy ngâm người vào bồn nước mát, hoặc đắp chăn ướt hạ nhiệt. Khi bệnh nhân tỉnh, nên cho uống nước mát có pha chút muối để bù lượng điện giải đã mất đi thông qua mồ hôi. Nếu thấy bệnh nhân không uống nước được, nôn liên tục, sốt không giảm, đau ngực, khó thở, đau bụng nên đưa đến bác sĩ kịp thời.
Theo y học cổ truyền, say nắng, say nóng thuộc diện "trúng thử". Để điều trị, cần nhanh chóng đưa người bệnh vào nơi râm mát, thoáng gió, tránh đông người, nới lỏng đồ mặc trên người. Để giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược học Tp HCM hướng dẫn nên bấm mạnh vào một số huyệt mang tính kích thích như sau:
Huyệt nhân trung: 1/3 phía trên rãnh nhân trung của môi trên
Huyệt dũng tuyền: Bấm mạnh vào chỗ hõm lòng bàn chân trái và phải
Huyệt hợp cốc: Hõm giữa ngón cái và ngón trỏ, bấm cả tay trái và tay phải
Huyệt thái dương: Cách đuôi mắt khoảng 2cm, bấm cả 2 bên
Huyệt bách hội: Day mạnh vùng đỉnh đầu, chóp cao nhất
Sau khi bấm huyệt, tiến hành lau mát vùng trán, nách. Trường hợp bệnh nhân không tỉnh, phải đưa đi cấp cứu ngay.
Phòng tránh
Bác sĩ Lê Thanh Chiến - Giám đốc bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.Hồ Chí Minh, cho biết: "Tai biến sản nhiệt thường xảy ra trong mùa nắng nóng, tùy mức độ mà có những biểu hiện khác nhau, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Cách tốt nhất là phòng tránh.
Cụ thể, khi làm việc trong môi trường quá nóng (hầm, lò...), cần có dụng cụ bảo hộ lao động để giảm nhiệt, hạn chế ra ngoài trời khi nhiệt độ tăng cao... Mùa nắng nóng, điểm đến vui chơi thường là các bãi biển. Khách du lịch hay đến bãi biển vào lúc nắng đã lên cao, cơ thể mỏi mệt, "tranh thủ” tắm, dầm nước lâu... nên dễ bị say nắng. Nên chú ý uống bù nước, đội nón mũ, tránh hoạt động quá sức.
Thời tiết nóng, nên dùng thức ăn loãng, dễ tiêu; dùng các loại canh có nhiều nước, được chế biến đơn giản và có tác dụng làm mát (canh cua, hến, thịt nạc nấu chua...). Tránh dùng các món chiên giòn, quay, nướng, các món chứa nhiều gia vị có tính cay nóng (buộc hệ tiêu hóa làm việc nặng nhọc, khiến cơ thể mau mệt). Chú ý dùng nhiều hoa quả tươi hoặc sinh tố giàu vitamin C (dưa hấu, cam, thanh long, táo, cà chua...). Nên ăn nhiều thức ăn mát như các loại rau củ quả giàu kali (rau má, cà chua, mồng tơi, rau đay, diếp cá...). Hạn chế ăn các loại hoa quả có chứa nhiều đường (mít, vải, nhãn, xoài...).
Đông y còn có một số nước mát giải nhiệt, lợi tiểu như nước sắn dây, nước đậu ván, nước vối, atisô. Nước mía phòng các chứng bệnh viêm nhiệt, miệng khô... Song cần tìm "địa chỉ” đáng tin cậy, vì quá trình xay ép dễ nhiễm khuẩn, gây bệnh tiêu chảy - một trong những bệnh thường xuất hiện vào mùa nắng nóng.
(Theo Phunu)