Văn hóa trà của xứ sở nhân sâm - Hàn Quốc
11:32
|
09/05/2010
Uống trà vốn là thú vui tao nhã, một nét văn hóa truyền thống mang đậm phong cách Á Đông. Cách đây hàng ngàn năm, con người đã biết đến trà như một thứ đồ uống mang lại sự sảng khoái, thanh tịnh cho tinh thần, là cách để "khai trí, khai tâm". Người ta xem chén trà là đầu câu chuyện, là sự gợi mở tâm linh, là sự giao thoa văn hóa và kết nối lòng người.
Nhắc đến trà, những cái tên như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam đã trở nên quen thuộc với người dân ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, trà nhân sâm cũng là một nét ẩm thực được ưa chuộng.
Nghi lễ thưởng trà ở Hàn Quốc có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tuy nhiên, người Hàn tiếp cận ở góc độ khác. Họ coi việc thưởng trà như một nghi lễ tìm kiếm sự thư giãn và hài hòa. Việc hưởng trà không quá cầu kỳ và gò bó nhưng vẫn có những nguyên tắc, chủ yếu là tạo nên sự thư giãn. Tất cả hòa trộn tạo thành một nét riêng trong nghệ thuật thưởng trà Hàn Quốc.
Không gian trà phải được sắp xếp trong bầu không khí thật sự thanh nhã, gần gũi với thiên nhiên. Nét đặc trưng trong cách thưởng trà Hàn Quốc là ở vật dụng dùng trà (trà cụ). Mỗi vật dụng để pha trà, thưởng trà cũng góp phần quyết định đến trà phong (phong cách uống trà). Tùy từng mùa trong năm mà nghệ nhân các chất liệu trà cụ khác nhau. Trà cụ mùa hè gồm những bát kiểu “katade” có miệng rộng để nước trà nóng mau nguội. Mùa thu và đông dùng kiểu bát “irabo” nhằm giữ nhiệt cho nước trà vì phải uống nóng. Chất liệu chủ yếu của các trà cụ là gốm sứ và kim loại với các kiểu dáng đơn giản nhưng thanh thoát, phản ánh sự gắn kết hài hòa với thiên nhiên. Nổi bật là những trà cụ làm bằng gốm tráng men mà đến nay người ta vẫn ưa dùng, tạo thành phong cách gốm Hagi.
|
Cách pha trà thể hiện tâm thái của người pha |
Nếu như Trung Hoa đánh giá chất lượng trà cụ bằng âm thanh gõ chén, bát thì tiêu chí đánh giá trà cụ xứ Hàn lại phụ thuộc vào mẫu mã, đường nét, màu sắc, cảm xúc của nghệ nhân. Ngày nay, “mốt mới” của tiệc trà Hàn Quốc là ngồi xung quanh chiếc bàn thấp. Chủ nhà ngồi một bên đun nước nóng để rửa sạch trà cụ, từ đầu đến cuối bữa tiệc. Trà cụ nếu không dùng đến thì được xếp trên bàn suốt năm, phủ khăn vải. Bộ đồ trà gồm nhiều ấm pha trà với màu sắc phong phú, kiểu dáng đa dạng. Trên bộ đồ trà có các loại chén như: chén tống, chén quân. Chén tống dùng để rót trà ra cho đều, chén quân bé hơn dùng để uống trà.
Người Hàn Quốc thích uống trà xanh vì theo họ trà xanh tự nhiên giữ nguyên được vị ngọt chát. Chính vì thế, họ lựa chọn trà xanh rất cẩn thận, phải là trà búp nhỏ đồng đều, màu xanh tươi tự nhiên. Sau này, người ta hay dùng trà xanh ướp hương liệu như hương quế, hương hoa cúc... Bên cạnh đó còn có trà sâm rất nổi tiếng.
Theo quan niệm của người Hàn Quốc, cách pha trà thể hiện tâm thái người pha. Người pha trà ngồi thoải mái giữa bàn, tập trung tâm ý vào việc pha trà sao cho người khách cảm nhận được thành ý của mình. Một buổi tiệc trà được thực hiện theo nguyên tắc 4 điều: “Hòa - Kính - Thanh - Tịnh”. Chính vì thế, Hàn Quốc luôn tồn tại nền văn hóa thưởng trà thanh lịch, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi văn hóa Trung Hoa hay Nhật Bản như suy nghĩ của nhiều người. Trà đồng nghĩa với sự tỉnh táo, thư giãn, tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác. Người Hàn Quốc không uống trà nhiều, đặc và liên tục vì họ quan niệm đây là triết lý về sự tế nhị, thanh tao, sự giao hòa với thiên nhiên, sự ứng xử văn hóa. Về quy tắc uống trà trong tiệc trà Hàn Quốc, khách phải chờ chủ nhà nâng chén trước rồi mới nâng chén của mình sau, tượng trưng cho một lời cảm tạ sự tiếp đón của chủ nhà. Khi dùng trà, cầm chén quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén lên sát mũi để thưởng thức hương trà. Sau đó, tay che miệng, chậm rãi hớp một ngụm nhỏ, nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi và trong cổ họng.
Văn hóa thưởng trà của Hàn Quốc còn kết hợp hài hòa với văn hóa thiền Seon, tạo nên nét khác biệt với các quốc gia lân cận. Bữa tiệc trà diễn ra chậm rãi, thanh thoát, có khi kéo dài vài tiếng đồng hồ.
Tách trà thơm ở Hàn Quốc từ lâu đã là quà đón khách, là tâm tình của chủ nhà với khách tới thăm, nó mang giá trị tinh thần sâu sắc, một nét ẩm thực đặc trưng. Những dư vị của trà hương quế, trà hoa cúc luôn vương vấn, lắng đọng trong lòng mỗi du khách đến với xứ Hàn.
(Theo Dulich)