Giữ lợi để bảo vệ răng
17:53
|
15/05/2010
Theo số liệu của WHO, 75% dân số thế giới trên 18 tuổi bị bệnh tiêu quanh răng. Trước đây, người ta coi tiêu quanh răng là bệnh của tuổi già, nhưng hiện nay, cả người trẻ lẫn thiếu nhi đều có thể mắc bệnh này.
|
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Mô quanh răng mềm mại và có 2 kẻ thù chính là bệnh viêm quanh răng và tiêu quanh răng. Chúng hủy hoại các mô bao quanh răng (lợi, các dây chằng giữ răng ở xương hàm, chất kết dính bảo vệ chân răng và mô xương quanh răng).
Tất cả bắt đầu từ viêm lợi. Chỉ cần không đánh răng 2 tuần là nảy sinh nguy cơ viêm lợi. Nhưng ngay cả khi đánh răng sạch, lợi vẫn có thể bị viêm. Vì vậy, đừng lơ là trước những triệu chứng của bệnh viêm lợi: ngứa, lớp cao răng mỏng, sưng và thường xuyên chảy máu. Hãy đến bác sĩ nha khoa trước khi viêm lợi chuyển sang viêm quanh răng khó chữa hơn nhiều.
Có thể thấy, sự tiến triển của bệnh qua sự thay đổi của nước bọt. Nước bọt trở nên dính, nhớt, có mùi khó chịu, buộc phải nhai kẹo thơm hay kẹo cao su. Tiếp theo, mối liên hệ giữa chân răng và phần lợi đỏ bị phá hủy, xuất hiện các hốc, tạo thành lớp phủ mỏng trên răng, rồi tạo thành cao răng, chèn ép các mô xung quanh, đến mức khiến răng bị mòn và các dây chằng giữ răng bị bung ra. Hậu quả: răng rụng và các răng xung quanh thưa ra, nhô về phía trước. Răng có thể bị văng ra trong thời gian nhai, nói chuyện...
Tai họa không chỉ ở chỗ mới 40-50 tuổi đã phải mang hàm răng giả. Vấn đề là từ lợi nhiễm trùng sẽ lan ra toàn cơ thể, có thể đánh vào bất cứ đâu, từ tim, khớp đến tuyến nội tiết, có thể quật ngã cơ thể khỏe mạnh.
Cần nhớ rằng, bệnh viêm quanh răng thường gặp ở 90% - 95% bệnh nhân có những bệnh về mô quanh răng - viêm các mô bao quanh kèm theo sự viêm tấy các mô xung quanh. Trong khi đó, bệnh tiêu quanh răng là sự thoái hóa các mô xung quanh răng nhưng không xảy ra các hiện tượng viêm tấy. Các bác sĩ nhận thấy, viêm quanh răng thường đi với sâu răng, còn viêm tiêu quanh răng thường xảy ra khi răng nanh, răng cửa và răng hàm không bị thay bằng răng giả. Các mô quanh răng có thể bị bệnh do di truyền từ bố mẹ, hoặc do vị trí răng bố trí sai lệch, do cấy răng giả kém chất lượng gây hỏng lợi.
Cần phòng bệnh bằng cách thường xuyên đến khám ở các bác sĩ nha khoa. Đánh răng đúng cách, kể cả dùng chỉ làm sạch răng. Xoa bóp lợi, hàng ngày tập lợi bằng cách cắn và nhai cà rốt, táo, lõi bắp cải. Bổ sung khẩu phần ăn bằng vitamin C, rutin, vitamin K. Ăn ít thức ăn tinh chế giàu hydratcarbon, tránh để cơ thể bị stress, củng cố hệ miễn dịch, theo dõi trọng lượng cơ thể vì lợi bị suy yếu nếu xảy ra trục trặc trong những quá trình trao đổi chất.
(Theo Phunuonline)