Rau ngót chữa bệnh
10:21
|
09/06/2010
Theo Đông y, lá rau ngót có vị bùi ngọt, tính mát, rễ có vị hơi ngăm đắng. Lá rau ngót chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc. Cả lá và rễ rau ngót đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Rễ còn có tác dụng lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp.
|
Rau ngót - loại rau bổ dưỡng và có tác dụng chữa bệnh |
Theo nghiên cứu, rau ngót chứa nhiều dưỡng chất như chất béo, đường, kali, sắt, mangan, đồng, các vitamin C, B1, B2...
Ngoài ra, rau ngót rất giàu đạm nên được khuyên dùng thay thế đạm động vật nhằm hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận.
Rau ngót được khuyên dùng cho người muốn giảm cân và người bị tăng huyết áp.
Ngoài ra, nó còn có tác dụng chữa dị ứng, tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh, chữa đổ mồ hôi trộm, chứng đái dầm ở trẻ em...
Một số bài thuốc từ rau ngót:
Chữa chứng đái dầm ở trẻ em: Lấy 40g rau ngót tươi rửa sạch, giã nát. Thêm 1 ít nước đun sôi để nguội vào, khuấy đều, để lắng và gạn lấy nước uống. Chia làm 2 lần, uống cách nhau khoảng 10 phút.
Đổ mồ hôi trộm, táo bón ở trẻ em: Lấy 30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 quả bầu dục lợn nấu canh cho trẻ ăn.
Chữa tưa lưỡi: Lấy 10g lá rau ngót tươi, rửa sạch, giã nhỏ vắt lấy nước, thấm vào gạc mềm, sạch, đánh trên lưỡi (tưa trắng), lợi, vòm miệng trẻ em. Đánh nhẹ cho tới khi hết tưa trắng.
Đau mắt đỏ, nhức nhối khó chịu: Lấy 50g lá rau ngót, 30g rễ cỏ xước, 30g lá dâu, 30g lá tre, 30g rau má, 10g lá chanh. Tất cả đều dùng tươi, sắc đặc, chắt lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Bàn chân sưng nhức: Lá rau ngót giã, cho thêm nước muối pha nhạt, sau đó đắp vào chỗ chân sưng nhức.
(Theo Tienphong)