Đối phó với chứng chân tay lạnh ngắt
16:00
|
07/08/2011
Không chỉ riêng mùa đông mà ngay cả trong lúc thời tiết ấm áp nhiều người vẫn mắc phải chứng tay chân hay lạnh ngắt dù đã mặc đủ ấm, đi tất và đeo găng.
Giáo sư Hoàng Bảo Châu, nguyên Viện trưởng Viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết những người này là do bị dương hư (hàn).
|
(Ảnh minh họa) |
Bình thường, nhiệt độ cơ thể người cân bằng ở 36-37 độ C. Khi dương nhiều hơn, người sẽ cảm thấy nóng; âm nhiều hơn, sẽ cảm thấy lạnh.
Cơ thể con người có 3 vùng: thượng tiêu (vùng ngực hất lên), trung tiêu (vùng bụng, đường tiêu hóa), hạ tiêu (khoảng thắt lưng trở xuống).
Theo Đông y, dương khí bắt đầu từ hạ tiêu đưa lên, nếu chuyển hóa tăng sẽ sản sinh nhiều nhiệt. Ở người dương hư, chuyển hóa giảm, phần trên hay ra mồ hôi, hay đau bụng, dễ đi ngoài khi ăn đồ lạnh. Đây là chứng bệnh gây khó chịu chứ không mang tính nguy hiểm.
Chứng chân tay lạnh thường gặp ở phụ nữ, người cao tuổi, ăn uống kiêng khem, thiếu chất dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu nhiều, sức đề kháng yếu. Ngoài ra, người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, suy tuyến giáp, xơ vữa động mạch... cũng thường có biểu hiện chân tay lạnh.
Nếu chân tay lạnh kèm theo đau, buốt; đầu ngón tay, chân chuyển sang màu trắng thì có thể đó là biểu hiện của bệnh viêm tĩnh mạch, tắc mạch máu.
Để khắc phục, người mắc chứng chân tay lạnh cần ăn thực phẩm nhiều calo để giúp cơ thể sản sinh nhiệt lượng nhiều hơn.
Cách đơn giản là nhấm một chút gừng tươi để giúp cơ thể ấm lên. Khi ra ngoài đường, cần đeo khẩu trang, quàng khăn để tránh nhiễm lạnh. Buổi tối đi ngủ, ngoài việc mặc đủ ấm, cần quàng khăn vì không khí về đêm lạnh hơn, trong khi tuần hoàn của cơ thể khi ngủ giảm, nhiệt lượng ít hơn.
Một số loại thuốc Đông y giúp làm ấm chân tay có bán trên thị trường cũng có tác dụng nhất định. Người mắc chứng chân tay lạnh nên thường xuyên tập luyện, vận động để thúc đẩy tuần hoàn máu, lưu thông khí huyết.
(Theo Khoahoc&doisong)