Các bài tập giúp giảm ngáy khi ngủ
08:49
|
28/04/2010
Hội chứng ngưng thở lúc ngủ và ngáy đang ngày càng tăng, kéo theo những hậu quả xấu như: rối loạn chức năng cơ tim, loạn nhịp, thiếu máu não, cao huyết áp, tỷ lệ tử vong cao (do buồn ngủ ban ngày)… Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng tới tâm lý như dễ nóng giận, bực bội...
|
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Để khắc phục tình trạng trên, bạn có thể áp dụng các dạng bài tập sau:
Bài tập 1
1. Mở miệng to từ từ và ngậm chặt 2 môi lại trong 5 giây. Bạn sẽ cảm thấy cơ vùng họng chuyển động. Thực hiện động tác này 5 phút mỗi ngày.
2. Lè lưỡi ra càng xa càng tốt và giữ yên như vậy trong 5 giây sau đó đẩy lưỡi sang phải rồi sang trái, càng xa càng tốt. Tiếp theo, cong lưỡi lên trên về phía mũi hết cỡ, cuối cùng là cong lưỡi xuống dưới về phía cằm.
3. Ngậm 2 môi lại (như bài 1) sau đó làm động tác như hút ống hút (kéo môi vào trong một ít) trong 5 giây, lặp lại như vậy 5 lần.
4. Ngậm chặt một cây bút chì giữa 2 môi trong 5 phút.
5. Mở miệng cười thật rộng (nói chữ "WHISKY") và giữ như vậy trong 5 giây. Lặp lại động tác 6 lần.
6. Chu miệng ra phía trước như sắp hôn ai đó. Giữ động tác trong 5 giây và lặp lại 6 lần.
7. Lấy ngón tay đè vào cằm trong 5 phút.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: "Theo như các công trình nghiên cứu trên thế giới, sau 3 tháng bệnh nhân sẽ thấy được hiệu quả của bài tập này. Vòng cổ của những bệnh nhân béo phì sẽ giảm kích thước, cải thiện được triệu chứng ngáy, ngưng thở và buồn ngủ ban ngày. Nhưng phải đảm bảo điều kiện là bệnh nhân phải tập đúng 15 phút và đều đặn mỗi ngày nếu không sẽ không có tác dụng gì mà bệnh thì ngày càng nặng hơn".
Bài tập 2
- Ngồi thẳng và đưa hàm dưới thẳng ra trước tối đa (lấy hàm trên làm mốc).
- Thả lỏng hàm dưới và lần lượt đưa hàm dưới tối đa sang 2 bên.
- Thổi bong bóng cũng làm cơ vùng họng phải hoạt động và săn chắc dần.
- Tập hát để giúp thông khí. Nên hát các nguyên âm hay một số nốt như “la” và “si”.
Để đạt kết quả tốt, ngoài việc áp dụng các bài tập nói trên, bạn cần thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học: nên ngủ tối thiểu 7h/ngày, tránh hút thuốc; tránh uống thuốc ngủ, kháng sinh histamine và các loại thức uống có rượu trong vòng 4 giờ trước khi ngủ; nằm nghiêng khi ngủ; quay đầu giường lên cao 10cm (chú ý kê đầu giường lên cao, không phải nằm gối cao) và nên duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý...
(Theo Giadinh)