Việt Nam trước nguy cơ "gánh" thời tiết cực đoan
15:08
|
22/08/2013
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian tới, dưới tác động khó lượng của biển đổi khí hậu, nhiệt độ tại các vùng-miền trên cả nước sẽ tiếp tục tăng lên, lượng mưa vào mùa hè có xu hướng giảm, bão có thể mạnh hơn và mực nước biển tiếp tục dâng cao vào năm 2050 trên toàn dải bờ biển Việt Nam.
Thông tin trên vừa được công bố tại hội thảo “Dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao,” do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trường đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc tổ chức ngày 22/8, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu Dự án dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao cho Việt Nam dự báo, nhiệt độ tại miền Bắc sẽ tăng từ 0,8 độ C đến 3,4 độ C vào năm 2050 và tiếp tục tăng đến cuối thế kỷ 21. Cùng với đó, số ngày nóng sẽ tăng lên (trên 35 độ C) và có thể kéo dài trong vòng 5 ngày, gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
Về lượng mưa, dự tính lượng mưa trên 7 vùng khí hậu sẽ có sự biến đổi, dao động từ dưới 16% đến trên 36% vào giữa thế kỷ và biến đổi nhanh hơn vào cuối thế kỷ 21. Cùng với đó, lượng mưa mùa hè có thể giảm ở hầu khắp các vùng lãnh thổ, riêng khu vực Trung Bộ mưa có xu hướng tăng ở tất cả các mùa trong năm.
Ở một hình thái tương tự, hoạt động của bão trên Biển Đông cũng có xu thế giảm nhưng cường độ có thể mạnh hơn, có thể gây lũ quyét và sạt lở đất, đặc biệt là các tỉnh miền núi ở phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Dự án dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao cho Việt Nam cũng dự tính mực nước biển sẽ tiếp tục dâng lên từ 100mm đến 400mm vào giữa thế kỷ trên toàn dải bờ biển Việt Nam, và sẽ tiếp tục được duy trì đến cuối thể kỷ 21, gây ảnh hưởng đến sinh thái và cộng đồng ven biển.
(Theo Vietnamplus)