Đàn ông “than thở” ngày 8/3
09:34
|
02/03/2013
Ai cũng nói, phụ nữ bị đối xử không công bằng và mọi chỉ trích dồn vào cánh đàn ông chúng tôi. Tuy nhiên, là một người đàn ông, tôi thấy chúng tôi cũng bị đối xử bất bình đẳng không kém.
Tôi, một người đàn ông cao 1m55, nặng 42 kg. Nhưng vì tôi thuộc phái mạnh, nên lúc nào tôi cũng phải cố mà… mạnh.
Ở nhà, mặc dù vợ tôi to hơn tôi, cao hơn tôi, nặng hơn tôi và chắc chắn là khỏe hơn tôi, nhưng vì cô ấy là phái yếu, nên lúc nào cô ấy cũng thỏ thẻ: Anh ơi, việc này nặng quá, em mà làm thì… kỳ lắm! Vì thế, từ dắt xe máy, xách đồ, cõng con nhỏ… lên tầng 5 đều là tôi làm cả.
Ở cơ quan, mặc dù “phái yếu” ở chỗ tôi toàn các chị nặng ngót nghét 70kg, ăn một lúc hai tô phở vẫn còn thòm thèm, nhưng vì duy nhất là “phái mạnh” trong phòng, bao giờ tôi cũng là người phải nghiến răng bê thùng nước tinh khiết đặt lên cái giá cao để phục vụ chị em. Nếu hôm nào tôi mệt mà chậm chễ, thể nào cũng bị cái nửa kia của thế giới lườm nguýt và bảo: “Thế mà cũng là đàn ông!”.
Ở nhà, vợ tôi ngoan lắm. Cô ấy luôn đề cao vai trò của người đàn ông, nhất là vai trò “trụ cột”, “thuyền trưởng”… bởi vậy, cô ấy chỉ đi làm cho vui, còn việc kiếm tiền nuôi sống gia đình thì đặt lên cái thân còm là tôi. Để xứng đáng với cái vai trò “thuyền trưởng” ấy, tôi phải làm ngày, làm đêm, phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ cách kiếm tiền hòng làm vui lòng cô vợ bé nhỏ nặng 68kg của mình.
Ở cơ quan, tôi cũng luôn phải thể hiện vai trò của người đàn ông là ga lăng, là thoáng. Để không bị mang tiếng là đàn ông mà keo kiệt bủn xỉn, tôi phải nghĩ ra đủ mưu để giấu vợ chút tiền mời đồng nghiệp đi uống nước, ăn sáng, tặng quà họ nhân ngày 8/3…
Vì là phái mạnh nên lúc nào tôi cũng phải mạnh, kể cả lúc… ốm yếu. Chỉ cần “con voi còi” nhà tôi hắt hơi sổ mũi, lập tức cô ấy rên rỉ, kêu ca, nhăn nhó và tôi thì phải nghĩ đủ cách để làm vui lòng nàng. Ấy thế nhưng, nếu tôi mà ốm, vừa trót mở lời than thở là ngay lập tức, vợ tôi bảo: “Ôi dào, đàn ông gì mà kém thế. Hơi một tí là kêu!”. Thế là tôi phải lập tức dán băng keo vào miệng, nếu không muốn cô ta mang tôi đến cơ quan để buôn bán với mấy thị cùng “chợ”.
Từ nhỏ tôi chỉ chăm chú vào học hành nên những việc khác tôi không rành cho lắm. Đây chính là một điểm làm tôi đau đầu nhất. Đơn giản là tôi nghĩ có tiền thì cần gì sẽ thuê thợ, nhưng vợ tôi thì không nghĩ thế. Cô ta đòi hỏi tôi phải biết sửa xe máy, khoan bê tông, cưa tủ gỗ, đóng giá sách… cho ra dáng đàn ông. Tất nhiên là tôi không thể tự tay làm tất cả những thứ ấy, nên vợ tôi suốt ngày mang ông hàng xóm (làm nghề... thợ rèn) ra kể: anh ấy biết sửa chữa đồ điện, bếp ga… khiến tôi bao phen hậm hực.
Có lần, cô ấy còn dã man nhắn vào máy điện thoại của tôi, đại loại rằng “anh là đồ đàn bà. Nhà có 2 đứa trẻ con mà anh đang tâm để 2 cái ổ điện lủng lẳng ngay cạnh phòng ngủ như thế mà không sửa!”. Rồi, cô ta gọi luôn ông hàng xóm sang để sửa hộ mà không cho tôi được gọi thợ.
Tính mạng con người thì đàn ông, đàn bà đều quý như nhau. Ấy thế nhưng, cứ chỗ nào nguy hiểm thì y như rằng, bọn đàn ông chúng tôi phải lao vào. Hun hút trong mỏ sâu, cheo leo trên giàn giáo cao, lênh đênh ngoài biển khơi, thập tử nhất sinh nơi chiến trường… chỗ nào nguy hiểm nhất cũng là bọn đàn ông chúng tôi. Ngay chỉ đơn giản là đi trên đường, bao giờ tôi cũng phải là người đi phía bên ngoài, để “chở che” cho phái yếu.
Tôi thấy phần lớn các bà đều kêu ca việc chồng mình đi nhậu nhẹt. Ấy thế nhưng, không biết nhậu thì cũng chẳng sung sướng gì. Hồi tôi mới đi làm, mỗi khi có buổi liên hoan, sếp tôi (là nữ hẳn hoi) lại nói: “Cậu kém lắm. Đàn ông mà không biết uống rượu thì vứt!” khiến tôi chỉ muốn độn thổ. Thế là, mặc dù không muốn, tôi phải cố nhắm mắt nhắm mũi mà uống. Đến giờ tôi vẫn không thể quen, cứ mỗi trận uống xong là lại ốm mất vài ngày. Và lúc ấy vợ tôi lại cằn nhằn: “Đàn ông như anh thật chán!”.
Mỗi khi đám đàn ông ở cơ quan tôi đi nhậu, đi hát và cuối cùng là đi… xxx, tôi không thích nhưng cũng không thể từ chối, bởi nếu thế, tôi sẽ bị loại ra khỏi đội hình ngay. Đã thế, hôm sau, thế nào cũng có những ánh mắt nghi kỵ nhìn tôi vì cho rằng, tôi có vấn đề về cái khoản “ấy”.
Để xứng đáng là thằng đàn ông, là phái mạnh, tôi phải kiếm tiền nhiều, phải không được ốm, phải chu đáo với vợ con và ga lăng đồng nghiệp nữ.
Nhưng cũng để thể hiện là đàn ông, tôi phải nhậu, phải để ý trêu trọc em nọ, tán tỉnh em kia và thỉnh thoảng đi “mát xa mát gần” cùng mấy anh bạn đồng nghiệp. Cũng vì thế, với vợ, tôi lại trở thành kẻ vô trách nhiệm, lăng nhăng, thiếu đạo đức, không tôn trọng phụ nữ…
Cả năm trời, tôi phải vật lộn để xứng đáng người đàn ông, để đừng bị coi là... đồ đàn bà. Thế nhưng, cứ đến ngày 8/3, tôi lại phải ra sức làm tốt công việc của một người phụ nữ, đó là mua hoa, nấu ăn, giặt quần áo, lau nhà… cũng chỉ để được công nhận là... người đàn ông chân chính!
Tôi biết, phụ nữ thiệt thòi nhiều. Nhưng tôi cũng muốn phụ nữ hãy hiểu: Đàn ông chúng tôi luôn cố gắng hết sức để làm đẹp lòng các bà, các chị, các em. Nhân ngày 8/3, chúc chị em cứ mãi xinh đẹp, đáng yêu và... bình đẳng hơn với cánh đàn ông chúng tôi.
Một người chồng yêu vợ!
(Theo Vnmedia.vn)