Phong thủy các lăng tẩm ở Huế
12:00
|
13/03/2023
Với quan niệm “sống gửi, thác về”, lăng tẩm được các vua Nguyễn cho xây dựng công phu ngay từ khi còn sống. Hầu hết các lăng được thiết kế theo hướng Tây Nam kinh thành Huế. Mỗi lăng là một khu vườn xanh tươi, hài hòa giữa đồi thông, hồ sen, sân chầu, sân tế nhưng lại mang một nét kiến trúc riêng theo khoa học phong thủy và thẩm mỹ của từng vị vua.
|
Lăng Khải Định |
Điều đầu tiên khi ta bước vào lăng là cảm giác thanh bình, mọi người sẽ mất đi cảm giác u buồn, hiu quạnh của một khu mộ địa.
Từ trung tâm thành phố Huế, Lăng Tự Đức là gần nhất chỉ cách 5 km đường bộ, xa nhất là lăng Minh Mạng (15km theo đường thủy). Hầu hết các du khách khi đến Huế đều không bỏ qua thăm viếng các lăng tẩm cổ kính này.
Lăng Gia Long (Thiên Thọ lăng) được xây dựng từ năm 1814 và hoàn thành năm 1820. Lăng nằm ở tả ngạn sông Hương, trên núi Thiên Thọ, rợp bóng thông cổ thụ. Trước lăng có hồ bán nguyệt, phía sau hồ là sân chầu với võ sĩ, voi, ngựa bằng đá. Tiếp đến là sân tế, sân cao dần đến Bửu Thành - nơi đặt mộ vua và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.
Lăng Minh Mạng (Hiếu lăng) được xây dựng năm 1840 và hoàn thành năm 1843, rộng gần 18 ha trên vùng đồi Cẩm Khê, huyện Hương Trà, cách Huế 12km. Bao quanh lăng là tường thành cao 3m, dày 0,5m. Mặt trước thành có 3 cửa ra vào. Trong lăng có 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí đăng đối theo một trục thẳng. Công trình kiến trúc này toát lên vẻ uy nghiêm nhưng hài hòa giữa thiên nhiên.
Lăng Tự Đức (Khiêm lăng) được khởi công xây dựng năm 1864 hoàn thành năm 1867 trên diện tích 475ha. Lăng nằm ở tả ngạn sông Hương, trên núi Dương Xuân, cách Huế khoảng 8km. Lăng nằm giữa một rừng thông xanh mát, yên bình. Việc xây dựng lăng này đã dấy lên cuộc khởi nghĩa của 3 anh em Đoàn Hữu Trung, Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực nhằm lật đổ ngai vàng của Tự Đức. Vì tội ác xây dựng sinh phần “Vạn niên cơ” gây nên vô vàn đau thương, tang tóc cho nhân dân khiến triều đình Huế phải đổi tên lăng thành Khiêm lăng. Tuy nhiên, mọi người không khỏi khâm phục óc sáng tạo của Tự Đức và tài nghệ của những người thợ khi xây dựng công trình này. Toàn bộ lăng được bao quanh bởi một bức tường dày uốn lượn theo địa hình đồi núi. Kiến trúc bên trong, ngoài những yếu tố cần thiết của một lăng mộ còn có những công trình phù hợp với nơi ở của vị vua này.
Lăng Khải Định (Ứng lăng) được xây dựng năm 1920, hoàn thành năm 1931 trên đỉnh núi Châu Ế, cách Huế 10km. Nằm trên vùng núi non trùng điệp rộng lớn, lăng Khải Định giống như một tòa lâu đài ở châu Âu hơn là một khu mộ địa. Từ chân núi lên tới Tẩm điện là 109 bậc. Vật liệu dựng lăng là sắt thép, bê tông và sành sứ. Nghệ thuật trang trí nội thất, hội họa đạt đến đỉnh cao của sự hài hòa giữa phương Đông kết hợp phương Tây. Đó là những tác phẩm khảm sành, sứ và mảnh chai nhiều màu thể hiện nhiều đề tài truyền thống như hoa văn chữ Triện (kiểu chữ Trung Quốc cổ đại), cỏ cây, hoa lá, thú vật, bát bảo, tứ linh, tứ quý.
Cả 4 lăng mộ này hiện nay là những danh thắng nổi tiếng của Huế, thu hút hàng vạn du khách cả trong nước và ngoài nước đến với cố đô cổ kính, trầm mặc này.
(Theo Bí ẩn thời vận)