Sắc trong nhân tướng học
21:00
|
13/04/2023
Nhân tướng học quan niệm khí là thứ nguyên khí "bẩm sinh", nó phần nào quyết định đến vận số của một đời người. Khí có quan hệ chặt chẽ với thần và sắc. Sắc được coi là tinh hoa của khí. Khí có tốt thì sắc mới đẹp.
Phân loại sắc
Theo ngũ hành, sắc được phân thành 5 loại: xanh thuộc Mộc, đen thuộc Thủy, đỏ thuộc Hỏa, vàng thuộc Thổ, trắng thuộc Kim.
|
(Ảnh minh họa) |
Nếu đem áp dụng điều trên vào y lý để xem tướng bệnh tật thì:
- Sắc trắng ở phổi phát ra vì cơ quan này thuộc Kim
- Sắc xanh ở gan phát ra vì can thuộc Mộc
- Sắc đen ở thận phát ra vì thận thuộc Thủy
- Sắc vàng ở tì (lá nách) phát ra vì can thuộc Thổ
- Sắc đỏ ở tâm phát ra vì tâm thuộc Hỏa.
Tính chất của sắc
Theo sách “Tướng Lý Hành Chân” thì:
- Xanh chủ ưu tư, lo sợ
- Vàng chủ cát khánh tốt lành
- Đỏ chủ khẩu thiệt quan tụng
- Đen chủ lao ngục, bệnh tật, chết chóc
- Trắng chủ ưu sầu, tang tóc.
Sự ẩn hiện của sắc được đúc kết như sau:
- Xanh khi đến như rêu bám trên bờ giếng, như gỉ đồng; lúc đi phơn phởn màu cỏ non.
- Vàng lúc đến như tằm nhả tơ, ong ong như màu tơ kén; lúc đi nhợt nhạt như hạt kê bóc vỏ.
- Đỏ lúc đến như lửa cháy; lúc đi nhạt như cánh sen.
- Trắng lúc đến như mỡ đông; lúc đi như mỡ gạo.
- Đen lúc đến như quết vệt than; lúc đi bẩn.
Hình dạng của sắc
Cổ nhân quan niệm, hình dạng của sắc có thể bằng hạt gạo, hạt đậu, như hình sợi tơ, miếng vuông như con dấu hoặc tròn như hạt ngọc.
- Nổi lên trên da gọi là sắc, nằm dưới da gọi là khí.
- Sáng hẳn lên thanh sáng hoặc nổi lên, chìm xuống, tản mạn, hỗn loạn.
- Càng rõ rệt bao nhiêu càng nhanh bấy nhiêu.
- Thần là gốc, khí là sắc, sắc là cành lá.
Tuy khí, thần và sắc phân làm 3 nhưng vẫn là một thể. Có thần tất có khí, có khí tất có sắc.
- Nếu chỉ có thần mà vô khí vô sắc, thần bị chèn ép gọi là thần thảm.
- Nếu chỉ có khí mà vô sắc vô thần, khí không có chỗ phát động gọi là khí trệ.
- Nếu sắc mà không liên hệ với thần khí là loạn sắc.
Tùy từng bộ phận của diện tướng để xem về thần, khí hay sắc. Xem thần thì quan sát đôi mắt; khí biểu hiện ở mũi; sắc biểu hiện phần nhiều ở đôi môi. Tuy nhiên, để đưa ra phán đoán một cách toàn diện, không thể coi nhẹ hay bỏ qua yếu tố nào.
Sắc cát và hung
Sách “Tướng Lý Hành Chân” có viết: “Hai mắt đen trắng, phân minh, mắt sáng ánh hồng vàng gọi là sắc thanh tốt, chủ nhân sẽ rất phát đạt”. Tuy nhiên, nếu thần bại, khí tán thì bị xem là vô cùng xấu. Dưới đây là biểu hiện của một số loại sắc hung:
- Mắt màu đỏ rần, mặt như ám thường chủ nhân sẽ bị tai họa ngục hình.
- Mắt có sắc như tro bụi bám, tinh thần u mê thường chủ nhân lâm cảnh gia sản tiêu tán.
- Mắt đục, lờ đờ, đen trắng lẫn lộn, thần quang hôn ám hoặc dưới mắt nườm nượp như đỏ xanh là sắp gặp tai bay vạ gió.
- Dưới mắt trắng lờ phờ, phóng bạch quang có thể sắp gặp chuyện tang ma.
- Dưới môi hoặc cằm có sắc đen như đám mây đen, có kẻ xấu hãm hại.
Sắc diện và 4 mùa
Ngoài ra, nhân tướng học quan niệm, khí sắc của người nên tương sinh với khí sắc 4 mùa, kỵ tương khắc.
Xuân thuộc Mộc cần xanh; hạ thuộc Hỏa phải sắc hồng; thu thuộc Kim nên cần trắng; đông thuộc Thủy sắc cần đen. Màu vàng thuộc Thổ: 4 mùa màu vàng là vô hại. Đây là màu tốt. Cần phân biệt sắc vàng của khí sắc tốt trông như màu vàng của con tằm vừa chín.
Khí sắc ở đây là chỉ khí sắc của toàn bộ khuôn mặt chứ không phải nói đến 1 vết, 1 vầng hiện lên bộ vị. Nếu mùa thu mặt trắng là tốt. Nhưng nếu chỉ có vết trắng trên mũi thì phải căn theo luật khí sắc mà đoán. Xanh, đỏ, đen cũng có cách đoán tương tự.
(Theo Nhân tướng học)