Xử trí khi trẻ bị chốc nhọt, rôm sảy
07:00
|
17/04/2023
1. Rôm sảy
Rôm sảy thường gặp ở những trẻ ra nhiều mồ hôi vào mùa nóng. Bệnh xảy ra khi tuyến mồ hôi bị chèn ép, bít kín, làm mồ hôi bị tắc nghẽn, không thoát được ra ngoài.
|
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Biểu hiện là da bé nổi nhiều nốt sần sùi, đỏ, nhỏ, cứng ở trán, ngực, gây ngứa ngáy, đau châm chích, nhất là lúc nóng nực, ra mồ hôi. Sự phát triển của bệnh tùy vào nhiệt độ môi trường, nếu rôm sảy kèm theo nhiễm khuẩn sẽ gây chốc, nhọt.
Phòng và điều trị
- Cần tránh môi trường nóng nực, giữ da bé luôn thoáng mát.
- Tắm rửa với sữa tắm Lactacyd BB hoặc thuốc tím pha loãng màu hồng lợt hoặc nước nấu khổ qua.
- Thoa bột Talc vào những vùng da hay ra mồ hôi.
- Cho bé uống nhiều nước, hạn chế ăn ngọt.
- Chữa trị nhiễm khuẩn da đi kèm.
2. Bệnh chốc, nhọt
Chốc là bệnh nhiễm trùng da hay gặp ở trẻ em vào mùa nóng, thường do tụ cầu gây ra, đôi khi do nhiễm liên cầu.
Bệnh bắt đầu bằng vết phỏng nước nhỏ, hình tròn, xung quanh có quầng viêm đỏ. Dịch bóng nước lúc đầu trong, sau đục dần, thành mủ. Phỏng mủ mau vỡ để lại vết trợt đỏ, nông; khi khô đóng lại thành mài màu vàng như mật ong. Nếu tổn thương nông thì lúc lành không để lại sẹo.
Đôi khi, chốc da đầu bắt đầu hình thành từ mụn nước hoặc mụn mủ. Trẻ bị chốc ở da đầu có thể gây sốt viêm hạch ở vùng sau tai, vùng cổ, nặng hơn là bị nhiễm trùng máu. Chốc cũng có thể lan rộng to hơn, sâu hơn gọi là chốc loét, khi lành sẽ để lại sẹo thâm.
Nhọt là do độc của vi trùng mạnh làm viêm tổ chức chung quanh gây hoại tử cả một vùng.
Đầu tiên chỉ là một cục cứng, đỏ, đường kính 1-2cm, cục mềm dần trong khoảng 7-10 ngày. Sau đó mềm nhũn, vỡ ra và chảy mủ đặc, trắng vàng, chảy hết mủ thì nhọt hình thành sẹo.
Lúc mới nổi nhọt có thể gây đau, sốt, nổi hạch ở vùng kế cận. Một số ít trường hợp tụ cầu vàng có thể vào máu gây nhiễm trùng, tắc nghẽn xoang hang ở sau não, gây viêm màng não, rất nguy hiểm.
Phòng và điều trị chốc, nhọt
- Vệ sinh da bé sạch sẽ, giữ da thoáng mát.
- Tắm thuốc tím pha loãng giúp hạn chế nhiễm trùng da.
- Bôi thuốc chống nhiễm trùng như Eosine, Milian, Fucidin, Bactroban.
- Dùng kháng sinh toàn thân khi cần thiết và phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
3. Lưu ý khi trẻ có biểu hiện nặng
Da trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng và nhạy cảm, nên dù chỉ một vết trầy xước nhỏ hay tình trạng vệ sinh không tốt đều có thể gây viêm nhiễm. Do đó, ngoài việc giữ vệ sinh da hàng ngày, chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dưỡng chất, cha mẹ cần lưu ý:
Đối với trẻ sơ sinh: (dưới 4 tuần tuổi), dù mẩn đỏ rất nhỏ trên da cũng cần giữ vệ sinh để tránh lây nhiễm. Theo dõi nếu nổi thêm nhiều mẩn đỏ hay lan rộng ra kèm sốt, quấy khóc, mất ngủ, bỏ bú, thở nhanh hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cũng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán và có chỉ định điều trị cụ thể.
Trẻ lớn hơn: Nếu chữa trị thông thường không có hiệu quả, trẻ vẫn nổi mẩn, kèm sốt và các biểu hiện bất thường thì cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay. Bệnh này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như bội nhiễm gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não… thậm chí có khả năng tử vong.
Các bậc cha mẹ không nên lạm dụng các bài thuốc dân gian hoặc tự mua thuốc ở các tiệm thuốc tây, thuốc bắc… vì dù là bệnh da nhẹ nhưng đôi khi có thể gây bội nhiễm, dị ứng thuốc làm bệnh tiến triển nặng thêm.
(Theo Phunuonline)