Giấc mơ có thể điều tiết tâm lý con người
08:59
|
13/05/2013
Con người có thể nhận được những bài học cần thiết và hữu ích từ giấc mơ của mình và điều đó rất có lợi cho việc làm phấn chấn tinh thần. Nếu hiểu biết về nó, tâm lý và hành vi của bạn sẽ trở nên hài hòa cân đối. Đó là một minh chứng cho khả năng điều tiết sự cân bằng tâm lý của giấc mơ. Trong cuộc sống hàng ngày, ở mức độ nào đó giấc mơ sẽ làm giảm bớt tình trạng ưu phiền.
|
(Ảnh minh họa) |
Trong quá trình nghiên cứu, đã có vài thí nghiệm chứng minh tác dụng của giấc mơ.
Người ta dùng vài bức ảnh có đính kèm tình tiết phần đầu một câu chuyện, sau đó mời mọi người vận dụng trí tưởng tượng ghép chúng lại với nhau để có được bố cục một câu chuyện hoàn chỉnh. Kết quả, đa số những người trong trạng thái tỉnh đều xây dựng các mẩu chuyện vui, còn những ai trải qua giấc ngủ mơ đều hình dung chuyện không viên mãn. Qua đó cho thấy, nhóm người ngủ mơ đã nhìn vấn đề ở phương diện bất lợi, đồng thời biến đổi tâm lý cho thích hợp với hoàn cảnh phức tạp.
Trong thí nghiệm khác, 2 nhóm người cùng xem 1 bộ phim kinh dị trước khi ngủ, sau đó để một nhóm tự do ngủ và mơ, nhóm còn lại sẽ bị quấy rầy không thể nằm mơ. Ngày hôm sau, cho 2 nhóm cùng xem lại bộ phim đó. Kết quả, phản ứng của 2 nhóm khác nhau rõ rệt: Nhóm nằm mơ phản ứng không quá mãnh liệt, nhóm còn lại thì hoàn toàn trái ngược.
Về phương diện vĩ mô, tác dụng điều tiết tâm lý của giấc mơ chủ yếu nhằm bảo vệ từng tiết tấu và quy luật của hệ thống thần kinh. Về phương diện vi mô, sự điều tiết chủ yếu nhằm thúc đẩy sự cân bằng các nhân tố tâm lý của hệ thống thần kinh. Điều đó có nghĩa là, trên cả 2 phương diện giấc mơ đều tiến hành điều tiết hoạt động tâm lý.
Ở phương diện thứ nhất, hoạt động tâm lý căng thẳng khi thức có thể tìm thấy sự hồi phục sau khi đã được nới lỏng trong cơn mộng mị. Nếu hoạt động tâm lý căng thẳng không được điều tiết thông qua giấc mơ, thậm chí còn kéo dài thì không bao lâu sẽ khiến bạn ngã quỵ. Ở phương diện thứ 2, nếu một vài khát vọng nào đó của con người không được đáp ứng khi thức thì họ sẽ trở nên buồn phiền, bực dọc.
Nhưng đôi khi giấc mơ có thể thỏa mãn những khát khao đó của con người. Nó hạ thấp mức độ đòi hỏi của khát vọng và thúc đẩy sự cân bằng tâm lý. Cho nên Nietzsche mới nói: “Mộng mị là sự đền bù cho những niềm vui và cái đẹp đã bị đánh mất vào ban ngày”, sự đền bù đó là một dạng điều tiết. Như lời phát biểu của đại thi hào Goethe dựa vào những trải nghiệm bản thân: “Nhân tính có năng lực mạnh nhất, ta luôn tìm thấy tiếng nói ủng hộ mỗi khi ta thất vọng. Trong cuộc đời tôi, những lần bi thương cùng cực, ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết, giấc mơ đã tìm đến an ủi, giúp tôi thoát khỏi đau buồn, để có thể nở nụ cười đón chào ngày mới”.
Sách Liệt tử có ghi lại câu chuyện như sau: "Một nhà giàu họ Doãn có lão nô bộc già, cả ngày làm lụng vất vả, sức tàn lực kiệt, mệt mỏi rã rời. Thế nhưng, mỗi khi lên giường ngủ lão lại mơ thấy mình đường đường là vua một nước, khoác long bào, đĩnh đạc ngồi trên ngai cao, chỉ bảo chuyện dân, chuyện nước, dự yến tiệc thịnh soạn, dạo chơi vườn ngự uyển, vui vẻ thảnh thơi. Thế là sau khi tỉnh giấc, ông lão cảm thấy rất mãn nguyện và làm việc cần mẫn hơn".
Những giấc mơ như thế có tác dụng điều tiết tâm lý và bảo vệ giấc ngủ của con người. Đây cũng là một trong những chức năng của nó. Tất nhiên, không phải giấc mơ nào cũng có tác dụng tích cực như vậy.
(Theo Giấc mơ & vận mệnh con người trong cuộc sống)