Email       Bản in

Năm Rắn nói chuyện Xà quyền 12:14 | 10/02/2013

Trong bộ linh vật 12 con giáp, Rắn tượng trưng cho sự tái sinh, là kết hợp giữa khát vọng sinh tồn và sức mạnh tự nhiên. Trong võ thuật, Rắn là con vật được xếp thứ 2 trong ngũ linh tương ứng với ngũ hình quyền: Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc.

Bộ môn Xà quyền được đúc kết qua những tinh hoa khi săn mồi và chiến đấu của loài vật này. Đây cũng là bộ môn có trong hầu hết các môn võ trên thế giới.

Mọi chuyển động mô phỏng con rắn dựa trên thủ pháp (cánh tay), thân pháp (cơ thể) và bộ pháp (đôi chân) tương ứng với đầu rắn, mình rắn và đuôi rắn.

Rắn là loài vật tượng trưng cho sự uyển chuyển, mềm dẻo và khó lường trong số các loài vật. Với đặc tính rình rập khi săn mồi và tốc độ dứt điểm chớp nhoáng của rắn, người xưa đã đúc kết ra những hình thái võ thuật dựa trên yếu tố cơ bản nhất của loài vật này là sự mềm dẻo. Mọi chuyển động mô phỏng con rắn dựa trên thủ pháp (cánh tay), thân pháp (cơ thể) và bộ pháp (đôi chân) tương ứng với đầu rắn, mình rắn và đuôi rắn.

Theo các võ sư có nhiều năm nghiên cứu về xà quyền, thế mạnh của bộ môn võ thuật này chính là yếu tố bất ngờ khi ra đòn. Võ sư Trần Việt, Phó Tổng thư ký Liên đoàn võ thuật cổ truyền Hà Nội cho biết: “Nói đến con rắn thì ai cũng nghĩ ngay đến 1 loài rất thâm trầm. Khi nó nằm rình mỗi thì tĩnh, im phăng phắc như chết, nhưng khi vồ mồi thì rất nhanh, thể hiện sự thâm hiểm trong chuyển động. Con rắn có những đòn đặc điểm như các kĩ thuật: đầu mổ, đớp mồi, phun nọc độc, cắn con mồi hoặc là quăng người xiết con mồi, quẫy đuôi đập con mồi. Tất cả các kĩ thuật chiến đấu đó được đúc kết lại đưa vào xà quyền thì có: Thân, Thủ, Bộ. Tức là thân chuyển động, bộ pháp uyển chuyển thấp luồn và bộ tay thì gọi là xà thủ. Những đòn quẫy đuôi thì con người học tập thành những đòn cước”.

Không chỉ áp dụng cho quyền, cước, những vũ khí mà tự nhiên trang bị cho loài rắn như răng nhọn và đuôi có độc còn được người học võ đưa vào các bộ võ kiếm, võ đao tạo thành những bài võ nổi tiếng như Linh xà kiếm, Xà đao...

Tại Việt Nam, có nhiều môn phái võ phát triển và gìn giữ Xà quyền ở khắp 3 miền Bắc Trung Nam. Theo võ sư Trần Việt: “Các dòng võ ở miền Bắc như Nam Hồng Sơn, Sơn Đông Không Động, đặc biệt trên miền núi phía Bắc rất nhiều võ sư ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn có những bài xà quyền rất độc đáo. Trong miền Trung thì xà quyền là một trong những môn võ nổi tiếng của dòng võ Bình Định. Những dòng võ miền Nam, đặc biệt dòng võ Chợ Lớn; Sài Gòn cũng phát triển xà quyền rất mạnh. Nhiều người đã tập luyện xà quyền rất lâu năm, có những người nổi tiếng ở những bộ tay xà”.

Không phải tự nhiên mà Xà quyền phát triển trong nền võ thuật cổ truyền của Việt Nam. Bởi ngoài việc rèn luyện gân, cơ, xương khớp, những thế võ học hỏi từ loài rắn cũng phù hợp với vóc dáng, cơ thể nhỏ bé nhưng khéo léo của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Trong xà quyền cũng vậy, dùng nhu chế cương, trong cương có nhu.

Từ cách di chuyển mềm mại, chọn lựa đúng lúc để đánh vào yếu điểm đối phương như mắt, cổ họng, các yếu huyệt, xà quyền còn tiêu  biểu cho lối dùng nhu chế cương, lấy nhược phá cường. Bên cạnh đó, giống như loài rắn có thể thích nghi ở nhiều địa hình, xà quyền cũng có thể thi triển với các thế ẩn mình mai phục rồi bất thần tấn công tiêu diệt kẻ thù trong chớp mắt – một nét tương đồng với nghệ thuật quân sự đánh du kích của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Không những vậy, võ rắn còn ứng dụng cả trong điểm huyệt, giải huyệt và trong điều trị, xử lý các thương tổn theo phương pháp cổ truyền.

Võ sư Nguyễn Mạnh Hùng của Võ đường Thanh Phong (Hà Nội) cho rằng: “Xà quyền rất phù hợp với người Á Đông vì thân hình rất nhỏ bé và thường là dùng nhu chế cương nhiều hơn. Trong xà quyền cũng vậy, dùng nhu chế cương, trong cương có nhu. Trong thủ pháp và các đường đánh của võ rắn, nhìn thấy tay rất mềm mại nhưng thực chất là vận chuyển gân cốt bên trong, ở trong rất cứng, trọng điểm tấn công ở đầu các ngón tay, tương ứng như đầu con rắn”.

Võ sư Đặng Tam Thuận của Trung tâm đào tạo võ thuật tài năng trẻ Bình Định Gia (Hà Nội) khẳng định, xà quyền nói riêng và võ thuật cổ truyền của Việt Nam nói chung phù hợp với nhiều lứa tuổi. Không cần quá nhiều thời gian để một người bình thường có thể bắt đầu làm quen với các môn võ của dân tộc. Sau những giờ làm việc căng thẳng, mọi người có thể coi võ cổ truyền như một môn thể thao rèn luyện sức khoẻ cũng như tinh thần.

Với những giá trị thiết thực từ luyện tập võ và quan trọng hơn cả là việc gìn giữ nét văn hoá, bản sắc dân tộc do cha ông để lại, võ sư Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Hà Nội thay mặt những võ sư tâm huyết của thủ đô bày tỏ mong muốn, làng võ của Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung sẽ cố gắng hơn nữa để phát huy tinh thần cha ông, giữ gìn vốn quý, tinh hoa võ thuật dân tộc; Qua đó chứng minh rằng dân tộc chúng ta rất quật cường trong mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực chống giặc ngoại xâm và truyền bá cho các thế hệ trẻ sau này để khỏi mất đi những tinh hoa đấy.

(Theo Vov.vn)

Ý kiến của bạn

Off Telex VNI VIQR

Đường cong rực lửa
Natasha Barnard mặn nồng vẻ đẹp Nam Phi
Victorias Secret chưa bao giờ thôi sexy
Giấc mộng mang tên Khát khao

Bạn thấy giao diện của Cửa Sổ Mới thế nào ?
Đẹp và ấn tượng
Dễ nhìn nhưng còn sơ sài
Cần thay đổi